Nhân rộng vùng an toàn bệnh dại

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một năm xây dựng, đến nay quận Thanh Xuân đã chính thức đủ điều kiện được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chứng nhận vùng an toàn bệnh động vật đối với bệnh dại. Đây sẽ là mô hình điểm để Hà Nội nhân rộng trong thời gian tới.

 Tổ chuyên trách bắt chó thả rông tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Phương Nga

Từ thành công của mô hình điểm
Trước đây mỗi buổi sáng đi thể dục, bà Vũ Thị Thủy cũng như người dân ở Khu dân cư số 2, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân thường bị ám ảnh với những con chó thả rông và phóng uế bừa bãi trên đường. Tuy nhiên, hơn một năm nay, nhờ Tổ chuyên trách bắt chó thả rông của phường hoạt động tích cực, mọi ngõ ngách trong phường đã vắng bóng chó thả rông. “Nhờ sự vào cuộc của UBND phường, chúng tôi tránh được những nguy cơ từ chó thả rông. Đặc biệt, người dân tự ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường” – bà Thủy chia sẻ.
Hiện nay cả nước mới có 4 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại, trong đó có quận Thanh Xuân (Hà Nội). Đây cũng là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại đầu tiên ở khu vực phía Bắc. Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại sẽ góp phần to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, xây dựng Thủ đô an toàn, thân thiện.
Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành
Được thành lập từ năm 2018, Tổ chuyên trách bắt chó phường Khương Đình gồm 7 thành viên. Trung bình cứ 1 tháng tổ sẽ ra quân 3 lần, tuần tra ở mọi ngõ ngách và bắt những con chó thả rông, đồng thời nhắc nhở những trường hợp dắt chó ra đường không đeo rọ mõm, phóng uế bừa bãi. Để hoạt động hiệu quả kịp thời, tại 10 tổ dân phố trong phường đều có lực lượng phản ứng nhanh, nếu phát hiện chó thả rông, sẽ báo ngay cho Tổ chuyên trách đến xử lý. Ông Lê Bá Mão – Tổ trưởng Tổ chuyên trách bắt chó thả rông phường Khương Đình cho biết: “Ngoài hạn chế tình trạng chó thả rông, điều thành công nhất của mô hình là ý thức của người dân được nâng cao. Từ việc chống đối nhưng sau khi thấy hiệu quả, người dân đã tự giác trong việc quản lý chó nuôi của gia đình”.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết: Để không xảy ra trường hợp bệnh dại trên người và vật nuôi trên địa bàn quận, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, quận đã ban hành Kế hoạch xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên chó nuôi trên địa bàn. Trong đó, ý tưởng thành lập Tổ chuyên trách bắt chó thả rông là một trong những tiêu chí đáp ứng điều kiện vùng an toàn bệnh. Đến nay, quận đã thành lập 11 Tổ chuyên trách bắt chó thả rông, tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó mèo trên địa bàn quận đạt tỷ lệ 100%. Đặc biệt, đầu năm 2020, Thanh Xuân đã được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) công nhận là vùng an toàn bệnh động vật đối với bệnh dại.
Xây dựng thành phố an toàn, thân thiện
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Đàm Xuân Thành cho biết: Trong những năm gần đây, tình hình bệnh dại có xu hướng gia tăng trên địa bàn cả nước. Bình quân mỗi năm cả nước có tới gần 80 người tử vong do bệnh dại và khoảng 400.000 người phải đi tiêm phòng bệnh dại, gây tổn thất rất lớn về sức khỏe con người và kinh tế, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như du khách đến tham quan. “Do đó, việc được công nhận là vùng an toàn bệnh dại sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phát triển du lịch Thủ đô và đặc biệt sẽ là điểm đến an toàn trong mắt của các khách du lịch quốc tế” – ông Thành bày tỏ.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 – 2021 đã được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội đang triển khai thực hiện và mục tiêu đặt ra đến năm 2021 sẽ hoàn thành xây dựng các quận trong TP thành vùng an toàn đối với bệnh dại. Để bảo đảm thực hiện thành công kế hoạch, Sở NN&PTNT đã tham mưu TP các giải pháp phòng, chống bệnh dại như quản lý đàn chó, mèo nuôi, hỗ trợ vaccine tiêm phòng dại, trước mắt tập trung ở các quận nội thành.
Đến nay, công tác quản lý chó nuôi và phòng chống bệnh dại đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ tiêm phòng dại đạt trên 90%… Nhận thức của chủ nuôi chó mèo được nâng cao, chủ động khai báo, đeo rọ mõm và xích cho chó khi ra nơi công cộng… “Vì một Thủ đô an toàn, đáng sống, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại ra các các địa phương khác trên địa bàn TP” – ông Đăng khẳng định.