Nhật Bản đã phê duyệt ngân sách quốc phòng kỷ lục 8,7 tỷ Yên (55,1 tỷ USD) cho năm tài chính 2025, tăng 9,4% so với năm trước. Đây là một phần trong kế hoạch 5 năm hướng tới mục tiêu tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP vào năm 2027. Mục tiêu này phản ánh ánh tham vọng của Tokyo trong bối cảnh căng thẳng an ninh gia tăng ở khu vực.
Thách thức tồn đọng
Dù việc gia tăng ngân sách là bước tiến quan trọng, Nhật Bản đối mặt với hàng loạt thách thức. Lạm phát đã thúc đẩy gia tăng chi phí khiến kế hoạch này khó thực hiện hơn. Bên cạnh đó, chính phủ Thủ tướng Shigeru Ishiba phải đối mặt với áp lực trong việc cân bằng ngân sách, vừa đảm bảo duy trì chi tiêu cho quốc phòng, vừa hạn chế nguy cơ khiến kinh tế suy thoái.
Quốc hội Nhật Bản vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc tăng các loại thuế thu nhập nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Các nhà phân tích lo ngại sự trì hoãn này sẽ làm suy giảm nguồn hỗ trợ tài chính cho các kế hoạch quân sự.
Việc đồng yên suy yếu đã làm tăng chi phí mua sắm thiết bị quốc phòng từ bên ngoài, đặc biệt là các hệ thống vũ khí nhập khẩu từ Mỹ. Một số thiết bị như máy bay chiến đấu F-35B đã tăng giá từ 18,3 tỷ Yên (133,6 triệu USD) lên 22,2 tỷ Yên (162,0 triệu USD). Tương tự, giá tàu khu trục lớp Mogami tăng từ 87 tỷ Yên (635,0 triệu USD) lên 105 tỷ Yên (766,4 triệu USD), trong khi tàu ngầm Taigei tăng từ 95 tỷ Yên (693,4 triệu USD) lên 114 tỷ Yên (832,1 triệu USD).
Đợt tăng giá này buộc Nhật Bản phải trì hoãn mua sắm, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng năng lực quốc phòng đã đặt ra.
Áp lực từ Mỹ cũng là một vấn đề đang được giới quan chức Nhật Bản quan tâm. Washington đã nhiều lần yêu cầu Tokyo tăng cường đầu tư cho quốc phòng, thúc đẩy mua sắm vũ khí. Mọi chuyện càng phức tạp hơn với sự trở lại của ông Donald Trump. Thành viên Đảng Cộng hòa từng yêu cầu Nhật Bản tăng gấp bốn lần khoản tiền nhằm hỗ trợ duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Đông Á này. Trong trường hợp ông Trump lặp lại yêu cầu trên, Tokyo sẽ phải điều chỉnh lại ngân sách, dẫn đến những thách thức đối với việc đạt được các mục tiêu khác của Nhật Bản.
Ngoài vấn đề tài chính, Nhật Bản còn là đối mặt với những giới hạn về năng lực công nghiệp và trình độ nguồn nhân lực sản xuất vũ khí. Nền sản xuất nội địa không đủ đáp ứng các yêu cầu của quân đội, trong khi chi phí nhân sự và bảo trì chiếm phần lớn ngân sách quốc gia, làm giảm khả năng đầu tư cho các dự án mới.
Nỗ lực giải quyết
Để giải quyết các thách thức, Nhật Bản cần tăng cường sản xuất quốc phòng trong nước, đầu tư vào công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và hệ thống máy bay không người lái. Đồng thời, chính phủ cần phải xác định rõ khoảng cách giữa mục tiêu 2% GDP và khả năng thực hiện, cũng như đề ra những giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện kế hoạch đề ra.
Bất chấp khó khăn, kế hoạch tăng ngân sách quốc gia lên 43 tỷ Yên (313,87 triệu USD) trong 5 năm vẫn được duy trì. Chính phủ khẳng định mục tiêu này sẽ gia tăng đáng kể năng lực phòng thủ quốc gia. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc đạt được mục tiêu phụ thuộc vào cách xử lý hiệu quả các vấn đề tài chính và chính trị, đặc biệt là khi kỳ bầu cử Thượng viện sắp tới có thể làm thay đổi cục diện nước Nhật.
Nhật Bản đang nỗ lực vượt qua những rào cản lớn để tăng cường sức mạnh quốc gia trong bối cảnh địa chính trị khu vực ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, sự thành công sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: tài chính, chính trị và công nghiệp.