Làng cổ Shirakawa có lịch sử trên 300 năm. |
Cụ thể, giới chức và DN Nhật Bản đang hướng tới khai thác những mô hình du lịch làng cổ, nhằm thu hút du khách quốc tế. Bởi, những năm gần đây, lượng chi tiêu của du khách tại các trung tâm mua sắm ở đô thị Nhật Bản có dấu hiệu suy giảm đáng kể.
Được biết, lượng chi tiêu của du khách quốc tế tới Nhật Bản giảm dần do tỷ giá đồng Yên mạnh, khiến hàng hóa đắt đỏ. Lượng khách quốc tế thăm quan các cửa hàng như Daimaru, Isetan và Mitsukoshi tăng, song số người mua hàng lại không nhiều. Sự sụt giảm doanh số bán hàng là “cú sốc lớn” đối với các nhà bán lẻ tại Nhật Bản. “Trước kia, đa số tôi đều sử dụng hàng hóa có thương hiệu, nhưng bây giờ người tiêu dùng thích những sản phẩm tốt và thực tế”, một du khách người Trung Quốc cho biết.
Trong khi đó, theo một báo cáo của Ngân hàng T.Ư Nhật Bản mới công bố cho thấy, lượng du khách quốc tế đến các khu làng cổ, vùng núi tại Nhật Bản đang tiếp tục gia tăng. Làng Shirakawa ở Gifu, tồn tại hơn 300 năm được ví như “xứ sở thần tiên” với những ngôi nhà mái tranh truyền thống. Năm 2015, ước tính có hơn 260.000 lượt du khách quốc tế tới làng này.
Để níu chân du khách ở lại lâu ơn, làng Shirakawa đã phối hợp với các ngành chức năng để đưa ra những hoạt động nhằm thu hút du khách. “Chúng tôi đưa ra những hoạt động khuyến khích du khách chi tiêu nhiều hơn” đại diện bộ phận xúc tiến du lịch của làng Shirakawa cho biết.
Hyogo, Ehime cùng 5 tỉnh khác nằm trên đảo Honshu và Shikoku ở miền phía Tây Nhật Bản cũng đã thành lập một cơ quan xúc tiến du lịch nhằm đưa ra những giải pháp để hướng sự quan tâm của du khách quốc tế từ mua sắm tại các khu đô thị sang trọng sang các chuyến đi trải nghiệm.
Ngành du lịch Nhật Bản cũng bắt đầu đưa ra những tour du lịch theo hướng chủ đề về nghệ thuật và lịch sử cùng tặng quà lưu niệm mang đặc trưng sản phẩm địa phương. “Chúng tôi đang nhắm tới mục tiêu phục hồi năng lực ngành công nghiệp du lịch địa phương”, một quan chức làng Shirakawa cho biết.