Nhật Bản quyết định đóng cửa nhà máy Fukushima

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau một thời gian dài thất bại trong việc xử lý sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima số 1 bị hư hỏng nặng, Chính phủ Nhật Bản đã phải tìm đến giải pháp cuối cùng là đóng cửa nhà máy này.

KTĐT - Sau một thời gian dài thất bại trong việc xử lý sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima số 1 bị hư hỏng nặng, Chính phủ Nhật Bản đã phải tìm đến giải pháp cuối cùng là đóng cửa nhà máy này.

Ngày 31/3, trong cuộc họp với Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) Kazuo Shii, Thủ tướng Naoto Kan cho biết: "Chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài việc đóng cửa nhà máy này". Theo các chuyên gia ước tính, Nhật Bản sẽ phải mất tới hơn 30 năm và tiêu tốn khoảng 12 tỷ USD để phá hủy hoàn toàn 6 lò phản ứng của nhà máy Fukushima. Tuy nhiên, Thủ tướng Kan đã khẳng định sẽ nghiên cứu kỹ đống đổ nát của nhà máy điện hạt nhân hiện hành để xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân cho tới năm 2030.


Hiện, các công nhân của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) vẫn đang nỗ lực để khắc phục sự cố tại nhà máy Fukushima. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện tại nhiều nơi có nồng độ phóng xạ vượt quá mức cho phép hàng nghìn lần. Ngày 31/3, đại diện TEPCO cho biết lượng phóng xạ iodine (I-131) ở ngoài khơi bờ biển tỉnh Fukushima đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay là 4.385 lần so với mức cho phép. Cùng ngày, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã kêu gọi Nhật xem xét mở rộng bán kính sơ tán 20km (tính từ nhà máy Fukhushama), sau khi phát hiện phóng xạ tại làng Iitate (cách nhà máy 40km) cao gấp đôi mức an toàn để cư ngụ.


Liên quan đến tình hình kinh tế Nhật Bản, chỉ số sản xuất của nước này đã giảm từ 52,9 điểm xuống 46,4 điểm trong tháng 3, ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) vừa hạ mức dự báo tăng trưởng của Nhật trong năm 2011 từ 1,6% xuống còn 1,4%. Hiện, Chính phủ Nhật đang tìm mọi biện pháp để ổn định thị trường, đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, giúp các công ty được vay vốn để phục hồi sản xuất. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 30/3 cho biết, đã rót thêm 2.600 tỷ Yen vào thị trường tiền tệ ngắn hạn, nâng tổng số tiền mà BOJ đã bơm ra thị trường là 120.900 tỷ Yen.


Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 đang diễn ra ở Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tái khẳng định cam kết của nhóm G7 trong việc tiếp tục can thiệp thị trường tiền tệ nhằm giúp Nhật Bản đối phó với việc đồng Yen tăng cao, gây cản trở cho quá trình tái thiết đất nước.


Trong một diễn biến khác, Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trước việc nhiều nước tạm ngừng nhập khẩu hàng nông sản của nước này sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, đồng thời đề nghị các đối tác thương mại không nên phản ứng thái quá và cấm nhập khẩu một cách bất công đối với hàng hóa của Nhật Bản.

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần