KTĐT - Trong những năm gần đây, sumo đã gặp nhiều bê bối liên quan đến việc sử dụng cần sa, vụ một võ sĩ tập sự 17 tuổi bị đánh đến chết và báo chí cáo buộc sự gian lận trong các trận đấu.
Hơn một chục võ sĩ sumo cổ truyền Nhật Bản gập đầu xin lỗi trước giới truyền thông hôm chủ nhật vừa qua, sau vụ bê bối liên quan đến các tổ chức tội phạm khét tiếng.
Cùng ngày, Hiệp hội Sumo Nhật Bản thông báo sa thải một võ sĩ hàng đầu và một sư phụ - một huấn luyện viên quyền lực cầm đầu một nhóm võ sĩ – vì tham gia các vụ cá cược bóng chày chuyên nghiệp do tội phạm có tổ chức thực hiện. Trước đó hai sư phụ đã bị giáng cấp và 18 võ sĩ bị cấm tham gia giải đấu sắp tới.
Võ sĩ sumo biểu diễn tại ngôi đền Yasukuni hồi tháng 4. Ảnh: AP. |
Sự việc diễn ra hai tháng sau một bê bối liên quan đến việc bán 50 vé cho các chỗ ngồi dưới chân sàn đấu cho các thành viên Yamaguchi-gumi, tổ chức tội phạm lớn nhất Nhật Bản. Các vị trí đó khiến cho các tay anh chị, còn gọi là yakuza, có thể được nhìn thấy rõ trong buổi truyền hình các trận thi đấu; và theo các chuyên gia sumo, hành vi trơ trẽn này nhằm mục đích mua vui cho bố già cầm đầu tổ chức hiện ngồi tù.
Trước sự phản đối của công chúng, hiệp hội đã lên tiếng cảnh báo môn thể thao có lịch sử 1.300 năm tuổi sẽ diệt vong nếu không tự thanh sạch. Hôm chủ nhật, hơn một chục võ sĩ trong bộ kimono truyền thống đã gập đầu xin lỗi trước giới truyền thông.
Trong những năm gần đây, sumo đã gặp nhiều bê bối liên quan đến việc sử dụng cần sa, vụ một võ sĩ tập sự 17 tuổi bị đánh đến chết và báo chí cáo buộc sự gian lận trong các trận đấu. Nhưng những bê bối gần đây được coi là nghiêm trọng hơn vì chúng có liên quan đến rất nhiều võ sĩ và các tay gangster.
Những bê bối trên càng nhấn mạnh sự lạc điệu của sumo, một thế giới khép kín nặng tính truyền thống được vị thế văn hoá đặc biệt của mình bảo vệ khỏi những cái nhìn soi mói, trước những thay đổi của đất nước Nhật Bản. Rất nhiều người Nhật kinh hoàng khi biết rằng những thành viên của môn thể thao này ngày càng có liên hệ mật thiết hơn với giới tội phạm trong lúc cả dân tộc đang nỗ lực dứt bỏ sự hiện diện của thế giới ngầm, vốn từng được chấp nhận trong xã hội trước kia.
Những chuyên gia và các võ sĩ sumo cho biết môn thể thao rơi vào tay các tổ chức tội phạm do khó khăn về tiền bạc vì lượng người xem và tài trợ của các công ty giảm mạnh. Nói một cách ngắn gọn như lời của những người phê bình, sumo không sẵn sàng hoặc không thể thích nghi với những thay đổi do suy giảm của nền kinh tế nước này.
"Sumo là một trong những hình mẫu ngoan cố của tính cách khép kín, cổ hủ của Nhật Bản", giáo sư Takanobu Nakajima của Đại học Keio, Tokyo, cho biết. Ông là tác giả một cuốn sách viết về sumo. Ông và nhiều người khác cho rằng, sumo đã bám vào những giá trị cũ chặt đến mức đáng ngạc nhiên, ngay cả đối với nước Nhật vốn ngại thay đổi. Điều đó thể hiện rõ nhất ở việc sumo không thể chặn được sự giảm sút của mức độ phổ cập, đặc biệt là trong giới thanh niên, những người bị lôi cuốn vào những hình thức giải trí khác như bóng đá hay game trực tuyến.
Những bê bối gần đây còn làm tổn hại đến sumo hơn nữa và khiến các nhà tài trợ bỏ đi. Hiệp hội sumo cho biết doanh thu hàng năm từ các nhà tài trợ và tiền bán vé cho các giải đấu được tổ chức 2 tháng một lần đã giảm từ mức 150 triệu USD năm 1999 xuống còn 110 triệu USD trong năm ngoài.
Theo các chuyên gia, sumo cũng giống như nền kinh tế Nhật Bản, tăng mạnh trong thời kỳ kinh tế cực thịnh những năm 1980, và sau đó không chịu giảm quy mô để thích nghi với giai đoạn suy thoái. Số lò luyện sumo hiện tại là 51, gấp đôi con số năm 1970. Tuy nhiên trong hai thập kỷ qua số lượng võ sĩ đã giảm từ 1.000 xuống dưới 700.
Võ sĩ Kotomitsuki. Ảnh: AP. |
Điều đó cũng khiến cho một số lò sumo có ít hơn 10 võ sĩ và không có võ sĩ nào có thứ hạng cao đủ để thu hút các nhà tài trợ. Những lò nhỏ này chật vật trả hàng trăm ngàn đô la chi phí ăn ở và đi lại của các võ sĩ. Nhưng họ lại từ chối giải pháp sáp nhập với các lò nhỏ khác.
Khó khăn về tài chính cộng với tình trạng thiếu minh bạch của sumo – các lò luyện được coi là tài sản cá nhân của các sư phụ và hầu như không có sự giám sát của Bộ thể thao và giáo dục – dẫn đến hệ quả là một môi trường khiến cho sumo không thể chống đỡ lại thế giới ngầm.
Có thể thấy rõ điều đó trong vụ bê bối vé thi đấu hồi tháng năm. Trước đây các tập đoàn lớn thường mua những chỗ ngồi tốt nhất, giờ do suy thoái kinh tế, các nhóm tội phạm là một trong số hiếm hoi những khán giả sẵn sàng trả hơn 300 USD cho một vé.
Những người theo dõi sumo cho rằng khi tiền từ thế giới ngầm chảy vào, các võ sĩ và sư phụ khó có thể từ chối lời mời tham gia cá độ.
Takakoshi Matsumoto, một cựu võ sĩ 54 tuổi, cho biết ông và các võ sĩ khác thường được các khán giả mời rượu và mời ăn, họ có vẻ là các yakuza dù họ rất lịch sự và không đưa ra lời đe doạ nào. Đó là lý do ông rất sửng sốt khi biết một cựu võ sĩ trở thành một tên gangster vừa bị bắt tháng trước vì tống tiền gần 40.000 USD của Keiji Tamiya, một võ sĩ hàng đầu, để đổi lại việc không tiết lộ việc cá độ của anh này cho báo giới.
"Các tổ chức tội phạm chắc cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng", Matsumoto nói. Hiện ông điều hành các nhà hàng.
Hiệp hội các võ sĩ đã bỏ phiếu thông qua việc cấm thi đấu sumo vĩnh viễn đối với võ sĩ 34 tuổi Tamiya, tên thi đấu là Kotomitsuki, hiện giữ vị trí ozeki, vị trí cao thứ hai trong hệ thống sumo. Lệnh cấm tương tự cũng áp dụng đối với Tadashige Naya, 42 tuổi, sư phụ lò Otake. Hiệp hội cũng chỉ định một cựu uỷ viên công tố của Tokyo làm chủ tịch tạm thời.
Nhưng nhiều chuyên gia chỉ trích các hành động trên chỉ mang tính "giơ cao đánh khẽ" và không giải quyết được vấn đề liên quan đến tội phạm, cũng như không khôi phục được lòng tin của công chúng.
"Sumo đã phá vỡ một trong những luật bất thành văn", Mitsuru Yaku, một thành viên trong uỷ ban của hiệp hội nhận xét. "Các mối quan hệ của họ với các băng nhóm tội phạm đã đi quá mức chấp nhận của toàn xã hội".