Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật Bản trong thế khó về vấn đề lao động nước ngoài

Khánh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lao động nước ngoài đang là giải pháp cho bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực của Nhật Bản, nhưng việc không hỗ trợ ở lại trong thời gian dài có thể gây tổn hại cho nước này trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm nguồn lao động.

Ngu Thazin, một công dân Mynamar, mong muốn một tương lai đầy hứa hẹn ở  Nhật Bản. Cô học tiếng Nhật và tốt nghiệp ngành hóa học tại một trong những trường đại học danh tiếng nhất ở quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, hiện cô đang làm việc tại một viện dưỡng lão ở Nhật Bản.

“Thành thật mà nói, tôi muốn sống ở Nhật Bản vì nơi đây an toàn” - Thazin nói. Trước đây cô đã từng kỳ vọng sẽ nhận được một công việc ổn định hơn sau khi vượt qua những kỳ thi cấp phép.

Cô chia sẻ: “Tôi muốn gửi tiền về cho gia đình.”

Ngu Thazin sống cùng các đồng nghiệp nước ngoài ở Maebashi, Gunma, Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times
Ngu Thazin sống cùng các đồng nghiệp nước ngoài ở Maebashi, Gunma, Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times

Nhật Bản đang cần tuyển dụng nhiều lao động nước ngoài trong bối cảnh già hóa dân số và lực lượng lao động suy giảm.

Số lượng lao động nước ngoài tại nước này đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2007, lên đến hơn 2 triệu người vào thời điểm hiện tại.

Đa phần những người lao động nhập cư đến Nhật Bản đều mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, những người làm công việc như: nhân viên thu ngân, nhân viên khách sạn và phục vụ nhà hàng đang không được đáp ứng đầy đủ quyền lợi.

Các chính trị gia vẫn miễn cưỡng trong việc tạo điều kiện cho người lao động nước ngoài, đặc biệt là những công nhân trình độ thấp, có thể ở lại Nhật Bản vô thời hạn. Điều này có thể khiến Nhật Bản yếu thế hơn trong nỗ lực cạnh tranh với các nước láng giềng như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), hoặc thậm chí là những nơi xa hơn như Úc và châu Âu, vốn cũng đang phải chật vật để tìm kiếm nguồn lao động.

Thêm vào đó, sự thiếu đồng nhất, không rõ ràng của hệ thống pháp lý đã khiến người nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong việc định cư.

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, người lao động nước ngoài được trả lương trung bình thấp hơn khoảng 30% so với người Nhật.

Trước lo ngại đánh mất quyền lợi, người lao động thường xảy ra mâu thuẫn với người sử dụng lao động, ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến.

“Các chính sách của Nhật Bản hiện nay chỉ phù hợp với người lao động làm việc trong thời gian ngắn. Nếu hệ thống tiếp tục như vậy, khả năng cao nhiều người lao động nước ngoài sẽ ngừng đến Nhật Bản” - Yang Liu, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp ở Tokyo cho biết.

Năm 2018, Chính phủ đã tăng số lượng lao động có trình độ thấp được phép vào nước này. Năm nay, Nhật Bản cam kết tăng gấp đôi số lượng lao động trong vòng 5 năm tới, lên đến 820.000 người.

Đồng thời, chính phủ cũng điều chỉnh chương trình thực tập kỹ thuật nhằm tránh hành vi trục lợi từ nguồn lao động giá rẻ của người sử dụng lao động

Tuy nhiên, các chính trị gia vẫn chưa đồng ý tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cư vào quốc gia Đông Á này. So với các quốc gia ở châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản vẫn chưa trải qua những làn sóng di cư lớn.

Tổng số người nước ngoài tại Nhật Bản - bao gồm cả vợ chồng và con cái - là 3,4 triệu người, chiếm chưa đến 3% dân số. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Đức và Mỹ gấp gần 5 lần.

Đầu năm nay, Tokyo đã sửa đổi luật nhập cư, cho phép thu hồi giấy phép thường trú bất cứ ai không đóng thuế.

Bộ trưởng Tư pháp Ryuji Koizumi cho biết việc sửa đổi này nhằm mục đích tạo ra một xã hội mà người dân Nhật Bản có thể cùng chung sống với người nước ngoài thông qua việc buộc họ phải tuân thủ các quy tắc tại quốc gia này.

Một yếu tố khiến việc nhập cư ở Nhật Bản trở nên khó khăn hơn là các quy định phức tạp về thị thực. Cụ thể, trước khi có được giấy phép thường trú, người nước ngoài phải vượt qua các yêu cầu visa phức tạp, bao gồm cả bài kiểm tra ngôn ngữ và kỹ năng.

Không giống như ở Đức, nơi chính phủ cho phép người nước ngoài mới đến học ngôn ngữ trong khoảng 400 giờ với mức giá trợ cấp hơn 2 euro mỗi bài học, Nhật Bản không có chương trình đào tạo ngôn ngữ chính thức cho người lao động nước ngoài.

Dù vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài ngày càng tăng trên khắp đất nước mặt trời mọc.

Tại Oigami Onsen, một ngôi làng trên sườn núi, nơi nhiều nhà hàng, cửa hàng và khách sạn đã đóng cửa, một nửa trong số 20 nhân viên toàn thời gian tại Ginshotei Awashima - một nhà nghỉ suối nước nóng truyền thống - đến từ Myanmar, Nepal hoặc Indonesia.

Wataru Tsutani, chủ nhà trọ, cho biết: "Do nhà trọ nằm ở vùng nông thôn nên ít người dân Nhật muốn làm việc ở đây ".

Tsutani cho biết công chúng chưa nắm bắt xu hướng thực tế về tình trạng thiếu nhân lực hiện nay tại Nhật Bản, do đó có thể phản đối nếu quá nhiều người nước ngoài xin được quốc tịch.

“Tôi nghe rất nhiều người nói rằng Nhật Bản là một quốc gia độc đáo”- ông Tsutani nói. “Nhưng thực ra không cần phải gây khó khăn cho người nước ngoài muốn ở lại Nhật Bản. Bởi chúng tôi thật sự cần người lao động”.