Kinhtedothi - Ngày 27/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố gói kích cầu kinh tế mới với tổng giá trị khoảng 28.000 tỷ Yên (tương đương 266 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế, sau những biến động từ chính sách Abenomics do ông khởi xướng và tác động tiêu cực của sự kiện cử tri Anh ủng hộ rời Liên minh châu Âu (Brexit).
Trong gói này, khoảng 13.000 tỷ Yên sẽ được sử dụng bởi chính quyền T.Ư và địa phương thông qua các chương trình vay mềm cho các dự án tư nhân hoặc thông qua các tổ chức tài chính. Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu chính phủ thiết kế gói kích cầu để vực dậy nền kinh tế đang bị kìm hãm bởi tiêu dùng và đầu tư tăng trưởng chậm. Còn khoảng 3.000 tỷ Yên là chi tiêu trực tiếp của chính phủ và phần còn lại là các gói cho vay mềm và các trợ cấp. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến tăng chi tiêu vào xây dựng hạ tầng cũng như thúc đẩy xuất khẩu nông sản và thu hút thêm khách du lịch quốc tế. Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra phân tích, chiến lược cải cách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng vốn không có nhiều khả năng giúp kinh tế của Nhật Bản thoát khỏi đà tăng trưởng chậm chạp khi rủi ro giảm phát kéo dài và tăng trưởng đầu tư yếu vẫn phủ bóng nước này. Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới còn nhiều bất ổn do ảnh hưởng của sự kiện Brexit, kinh tế Nhật Bản phải chịu tác động trực tiếp nghiêm trọng, khi các nhà đầu tư tìm kiếm “nơi trú ẩn an toàn” cho đồng tiền của mình, khiến tỷ giá đồng Yên tăng chóng mặt. Theo ghi nhận, sau khi các phương tiện truyền thông cho biết gói kích thích được công bố vào chiều 27/7, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng 1,72%, trong khi đó, tỷ giá đồng Yên giảm mạnh so với đồng USD, giúp nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu của nước này được hưởng lợi. Diễn biến trên thị trường cho thấy, gói kích cầu mới đã phần nào xua tan bầu không khí u ám bao trùm nền kinh tế của Nhật Bản, nhưng tác động lâu dài của giải pháp này với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn còn là câu hỏi cần thời gian trả lời.