Nhật - Hàn nỗ lực hạ nhiệt căng thằng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong 2 ngày (11 – 12/7), tại Seoul, Hàn Quốc diễn ra cuộc hội đàm cấp Thứ trưởng Hàn – Nhật với sự tham gia của Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akira Saiki và người đồng cấp chủ nhà Kim Kyou-hyun.

Diễn ra trong bối cảnh Sách Trắng quốc phòng 2013 do Nhật Bản vừa công bố đã khiến mối quan hệ Seoul – Tokyo trở nên căng thẳng, cuộc gặp cấp Thứ trưởng này là phép thử để hai nước tìm kiếm biện pháp khai thông thế bế tắc trong quan hệ song phương. Theo đó, quan chức hai bên trao đổi quan điểm về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo mà Nhật gọi là Takeshima, Hàn Quốc gọi là Dokdo, vấn đề nô lệ tình dục thời chiến tranh và tình hình khu vực, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên. Sau những cái bắt tay rất chặt bên lề Hội nghị Bộ trưởng ASEAN + 3 tại Brunei hồi tháng 6 vừa qua, quan hệ Seoul – Tokyo một lần nữa lại bị sứt mẻ bởi những tuyên bố trong Sách Trắng Quốc phòng 2013. Rõ ràng, vượt qua những mối quan hệ ràng buộc liên quan đến lợi ích chung về kinh tế - tài chính, vấn đề chủ quyền lãnh thổ - lãnh hải vẫn là trở ngại chính trong việc đưa Nhật – Trung – Hàn từ đối thủ trở thành đối tác.

Sách Trắng Quốc phòng của Nhật Bản năm 2013 đầu tiên dưới thời của Thủ tướng Shinzo Abe được công bố hôm 9/7 đã dành tới 20 trang để đề cập đến những quan ngại của Tokyo về việc gia tăng các hoạt động hàng hải tiềm ẩn “nguy hiểm” của Trung Quốc “có khả năng gây ra tình huống bất ngờ”. Đồng thời tái khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Takesima, còn Seoul gọi là Dokdo. Ngay lập tức giới chức Hàn Quốc, Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố phản đối tài liệu này của Nhật Bản.

Điều đáng nói là Sách Trắng được công bố trong bối cảnh Nhật Bản đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện mà lợi thế đang nghiêng về liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe. Sau khi trở lại nắm quyền hồi cuối năm ngoái, ông Abe cam kết sẽ phục hồi nền kinh tế và tăng cường hệ thống quốc phòng của Nhật Bản với kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lần đầu tiên trong 11 năm qua. Những động thái này khiến Trung Quốc và Hàn Quốc không khỏi nghi ngại ông Abe sẽ thực hiện chính sách ngoại giao, quốc phòng mạnh tay hơn nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra vào cuối tháng này.