Chiều nay (16/3), tại Phiên họp toàn thể thứ 34 theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021- 2026.
Dự Phiên họp có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn; lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu |
Theo Tờ trình của Chính phủ, nhiệm kỳ 2021-2026, TP Hà Nội đề nghị bố trí tổng số 19 đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách (tăng thêm 9 đại biểu so với quy định của Luật và tăng 1 đại biểu so với nhiệm kỳ 2016-2021). Trong đó, 3 đại biểu là lãnh đạo HĐND TP (gồm 1 Chủ tịch, 2 Phó chủ tịch); mỗi ban của HĐND TP bố trí 4 đại biểu gồm trưởng ban, 2 phó ban và 1 ủy viên hoạt động chuyên trách. Tại mỗi quận, huyện, thị xã có 5 - 6 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (gồm 1 phó chủ tịch, trưởng, phó các ban của HĐND cấp huyện).
Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đề xuất của TP Hà Nội về bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP là có cơ sở thực tiễn, phù hợp vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô và yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền các cấp trong bối cảnh thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách tài chính ngân sách đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, khi không tổ chức HĐND phường thì nhiều nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho chính quyền địa phương ở quận, thị xã và cấp TP, nên cần có phương án sắp xếp, bố trí đủ số lượng đại biểu chuyên trách cần thiết cho HĐND quận, thị xã để phù hợp yêu cầu, khối lượng công việc và tăng cường năng lực giám sát, quyết định các vấn đề của địa phương khi Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị TP Hà Nội có phương án sắp xếp, bố trí đủ số đại biểu hoạt động chuyên trách cần thiết cho HĐND các quận và thị xã Sơn Tây trong nhiệm kỳ 2021-2026 để phù hợp yêu cầu, khối lượng công việc và tăng cường năng lực giám sát, quyết định các vấn đề của địa phương trên địa bàn các quận, thị xã của TP, khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
|
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Về cơ cấu số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, khi được Quốc hội thông qua nghị quyết về vấn đề này dự kiến vào cuối tháng 3/2021, TP sẽ sắp xếp ngay để hoạt động HĐND TP thực sự hiệu quả. TP rất mong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tạo điều kiện cho chính quyền, Nhân dân Thủ đô để sớm đưa nội dung này vào thực tế; Nghị quyết được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng kết luận Phiên họp nêu rõ, qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất cao nội dung Tờ trình của Chính phủ, đề nghị Quốc hội thông qua quy định cho phép HĐND TP Hà Nội có số lượng 19 đại biểu hoạt động chuyên trách, bố trí vào các chức danh như Chính phủ trình. Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo. Tờ trình của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp, xuất phát chính từ thực tiễn cơ cấu tổ chức hoạt động của HĐND TP Hà Nội ở nhiệm kỳ này; qua thực tế cho thấy các đại biểu chuyên trách hoạt động hiệu quả, phát huy được chức năng giám sát, đại diện cho cử tri trong thực hiện nhiệm vụ của đại biểu.