Nhiễm virus Corona: Thời gian ủ bệnh trong 14 ngày hay dài hơn?

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian ủ bệnh có phải 14 ngày như các hướng dẫn trước đây hay không, hay thời gian ủ bệnh kéo dài hơn, biểu hiện bệnh bao gồm những gì... là vấn đề được các chuyên gia y tế bàn thảo tại cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu của Bộ Y tế diễn ra ngày 8/2.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến nêu, điểm đáng chú ý trong sàng lọc, phát hiện bệnh nhân mới nhất là trường hợp bệnh nhân thứ 13, vừa có xét nghiệm sáng định dương tính tối 7/2. Tuy bệnh nhân không sốt, không ho, không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn nhiễm virus Corona.
 Cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu của Bộ Y tế.
Trước đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn thu dung bệnh nhân viêm phổi do virus Corona mới vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện T.Ư Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên hướng dẫn mới nhất là khi ghi nhận bệnh nhân mới sẽ tiến hành điều trị tại chỗ, ngay từ bệnh viện tuyến huyện.
Hiện có 4 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), thời gian qua có 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa và hôm 3/2 đã ra viện.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê, Bộ đã hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị nguồn lực tùy mức độ của dịch, hướng dẫn 700 bệnh viện các tuyến cách lấy mẫu, bảo quản mẫu. Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên bảo quản mẫu phải đảm bảo an toàn sinh học.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho biết, với phương châm điều trị 4 tại chỗ (quản lý, sàng lọc bệnh nhân từ tuyến xã và điều trị bệnh nhân nhẹ từ tuyến huyện) do dịch bệnh đến từ nhiều nước, nguồn lây từ khắp nơi, dịch không tập trung. Trong khi dịch SARS trước đây chỉ khu trú tại Bệnh viện Việt Pháp và biện pháp lúc đó là đóng cửa bệnh viện. “Giai đoạn bệnh nhẹ giữ tại huyện, như ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc điều trị 4 bệnh nhân với sự hỗ trợ của tuyến trên, nặng hơn lên bệnh viện tỉnh, nặng hơn lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Các địa phương khác cũng thế, hạn chế di chuyển bệnh nhân để cắt đứt nguồn lây” - ông Khuê nói.
Lý giải về việc vì sao có trường hợp không sốt, không ho nhưng vẫn nhiễm virus Corona, ông Khuê cho hay, đây là một chủng virus mới, như ở Trung Quốc nhiều ca tử vong, nhưng Việt Nam chỉ có một ca nặng, đó là bệnh nhân 66 tuổi người Trung Quốc. Còn lại đa số biểu hiện nhẹ. Vì thế, bệnh cảnh rất đa dạng, có người bệnh nặng, có người nhẹ, ít biểu hiện, có khi chỉ hơi mỏi mệt. Tuy nhiên, có bệnh nhân biểu hiện bệnh rầm rộ, có người lại nhẹ như bệnh nhân 28 tuổi Li Zichao, chỉ 2-3 ngày sau đã âm tính với virus. Những phát hiện này đều rất mới với ngành y tế.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, diễn biến tổn thương phổi do nhiễm virus Corona rất tệ nên cần hồi sức tích cực và điều trị can thiệp từng giai đoạn. Trong đó, lọc máu hấp thụ cytokine hoặc tác động vào cơ chế bệnh sinh làm giảm tổn thương phổi bước đầu thành công bệnh nhân nhiễm cúm hoặc virus corona. Lưu ý cần thực hiện 2-4 ngày đầu nhiễm bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần