Nhiệt điện Thái Bình 2 hòa lưới điện bằng than Tổ máy số 1

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng 15 giờ 41 phút ngày 16/6/2022, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Công Thương, tỉnh Thái Bình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 đã thực hiện thành công hòa lưới điện bằng than Tổ máy số 1.

Đây là dấu mốc quan trọng để nhà máy có thể bắt đầu quá trình chạy thử tải Tổ máy số 1 ở các mức công suất khác nhau cho đến mức tối đa 600 MW, nhằm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tiến tới phát điện thương mại Tổ máy số 1 vào cuối tháng 11/2022.

Lãnh đạo Bộ Công Thương, tỉnh Thái Bình và Petrovietnam chứng kiến NMNĐ Thái Bình 2 hòa lưới điện bằng than Tổ máy số 1.
Lãnh đạo Bộ Công Thương, tỉnh Thái Bình và Petrovietnam chứng kiến NMNĐ Thái Bình 2 hòa lưới điện bằng than Tổ máy số 1.

Dự án NMNĐ Thái Bình 2 (Dự án) là một trong những dự án nguồn điện trọng điểm quốc gia theo Quy hoạch điện VII. Khi hoàn thành, Nhà máy có công suất 1.200 MW (2 tổ máy), nếu được huy động tối đa, hằng năm Nhà máy có thể đóng góp cho đất nước hơn 7,2 tỉ kWh điện thương phẩm.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ vào chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và sự nỗ lực ngày đêm của toàn thể cán bộ lãnh đạo, công nhân viên Petrovietnam, những khó khăn vướng mắc đã cơ bản được tháo gỡ, Dự án đã có những chuyển biến tích cực, nhiều mốc tiến độ, hạng mục công việc nằm trên đường găng đã hoàn thành. Dự án khởi sắc, từng bước lấy lại tiến độ đề ra.

Tính đến nay, tiến độ tổng thể của Dự án đạt 93,74%. Trong đó, công tác thiết kế đạt gần 100%, công tác mua sắm đạt khoảng 97,93%, công tác thi công đạt khoảng 95,82%. Công tác mua sắm hoàn thành khoảng 97,93%.

Các hạng mục còn lại như vật tư tôn lợp, bu-lông, grating phục vụ lắp đặt cho hệ thống băng tải than, kho than. Các tồn tại lớn trong công tác mua sắm kết cấu hệ thống băng tải vận chuyển than và đá vôi; mua sắm bảo ôn cho phần còn lại đã được xử lý. Công tác mua sắm hàng hóa và dịch vụ đang được triển khai đáp ứng tiến độ.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, trên tinh thần đó, Tập đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào công tác quản trị tiến độ, chi phí; điều động/bổ nhiệm cán bộ có năng lực, kinh nghiệm giữ vai trò lãnh đạo Ban QLDA và Tổng thầu PETROCONs; huy động các chuyên gia có tay nghề, trình độ cao để hỗ trợ Tổng thầu trong công tác bảo trì, bảo dưỡng, chạy thử; bố trí đủ nguồn lực tài chính, đảm bảo dòng tiền; hỗ trợ kịp thời nguồn vật tư dự phòng; huy động nguồn tài chính từ phúc lợi của Tập đoàn để động viên, khen thưởng kịp thời.

Trong thời gian chạy thử tải và hiệu chỉnh công suất của Nhà máy (nâng công suất lên mức tối ưu từ 180 MW lên 600 MW), Petrovietnam và Tổng thầu sẽ tiếp tục hoàn thành hệ thống cung cấp than để đáp ứng tiến độ chung của Dự án. Dự kiến đến hết năm 2022, toàn bộ hai tổ máy sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng, chạy thử và vận hành thương mại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần