Những tranh chấp về giá dịch vụ tại các chung cư luôn khiến cho người dân phải chịu thiệt. Ảnh: Doãn Thành |
Để giải quyết được vấn đề này, người dân cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức trong việc ký kết các hợp đồng, thỏa thuận, đặc biệt là những thỏa thuận ban đầu về sử dụng giá dịch vụ trong mỗi dự án.
Lộ diện tranh chấp mới
Anh Bùi Cường - cư dân dự án chung cư Eco Lakeview Đại Từ thuộc phường Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thời điểm gia đình anh và cư dân dự án này mới chuyển về sinh sống, do bức xúc với việc thu giá dịch vụ của chủ đầu tư, nên cư dân đã đồng loạt treo băng rôn, khẩu hiệu, đồng thời không đóng tiền dịch vụ theo mức mà chủ đầu tư đưa ra nhằm phản đối.
Tuy nhiên, để xử lý mâu thuẫn thay vì việc chủ động đối thoại với người dân, chủ đầu tư dự án này đã cắt nước gây sức ép với cư dân và buộc cư dân phải tuân thủ theo những quy định về phí dịch vụ do đơn vị này đặt ra. Theo đó, mức phí dịch vụ mà chủ đầu tư của dự án chung cư Eco Lakeview Đại Từ đưa ra là: 8.000 đồng/m2 sàn và 1,6 triệu đồng/xe ô tô/tháng…
Tất cả những mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư gần như đã được bộc lộ hết. Nhiều chủ đầu tư đã tìm thấy những kẽ hở của luật pháp để làm lợi cho DN mình. Căn cứ vào những điểm hạn chế đã bộc lộ trong nhiều năm qua, các bộ, ngành chức năng cần phải nhanh chóng hoàn thiện các khung pháp lý liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư để giải quyết dứt điểm những tranh chấp dai dẳng và tránh phát sinh những tranh chấp mới gây bất ổn an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Luật sư Nguyễn Hồng Thơm - Hội Luật gia Việt Nam |
“Sau khi người dân tại dự án đồng loạt phản đối thì chủ đầu tư đã gây sức ép bằng cách cắt nước sinh hoạt của cư dân” - anh Cường cho hay.
Tương tự sự việc trên, vào khoảng cuối tháng 9 vừa qua, tại tòa chung cư CT3, số 81, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, do Công ty CP Bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư, cư dân cũng đã được một phen “tá hỏa” khi bị chủ đầu tư tự ý cắt nước sinh hoạt.
Theo KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khi hàng loạt những tranh chấp giữa chủ đầu tư các dự án chung cư và cư dân tòa nhà liên quan đến việc quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư và việc thu giá dịch vụ quá cao… chưa được giải quyết, lại phát sinh thêm phần tranh chấp này, đã gióng lên hồi chuông báo động liên quan đến xây dựng cơ chế, chính sách cho việc quản lý, sử dụng nhà chung cư.
“Một hình thức tranh chấp mới đã xuất hiện, vấn đề này đã được cảnh báo khi hàng loạt những tranh chấp trước đây chưa được giải quyết dứt điểm. Suy cho cùng, sự việc này vẫn chỉ xoay quanh vấn đề lợi ích của DN và quyền lợi của người dân khi phải bước chân vào những tòa nhà cao tầng sinh sống” - KTS Nguyễn Văn Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, đối với nhiều quốc gia trên thế giới, việc người dân có xu hướng chuyển dịch lên sinh sống ở các tòa nhà cao tầng là thể hiện sự văn minh, một mô hình quản lý đô thị hiện đại trong bối cảnh đất đai tại các đô thị ngày càng thu hẹp, khi mà dân số tại các TP lớn lại tăng một cách tự nhiên.
Trong khi đó, tại các TP lớn của Việt Nam, việc người dân chuyển dịch lên sinh sống tại các tòa nhà cao tầng, đặc biệt là tại các tòa chung cư giá rẻ, chung cư trung cấp…, phần lớn là do không có đủ tài chính để có thể mua những sản phẩm tốt hơn và khi lựa chọn sản phẩm này là khi người dân bắt đầu phải chuẩn bị tâm lý cho những cuộc tranh chấp kéo dài với các chủ đầu tư.
“Theo tôi thực trạng này là do chưa xây dựng được một cơ chế, một chế tài đủ mạnh trong các văn bản luật liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư để có thể bảo vệ được quyền lợi cho người dân” - KTS Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận.
Cẩn trọng với thỏa thuận dịch vụ
Theo đánh giá, đa phần những tranh chấp đang diễn ra ở các dự án chung cư thương mại giá rẻ và hạng trung, nơi mà chất lượng của sản phẩm và cả chất lượng dịch vụ luôn là vấn đề “nóng” mà các cơ quan chức năng chưa thể tìm ra phương án xử lý hiệu quả, khi mà các DN vẫn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu; còn người dân, với mức thu nhập hạn chế của mình vẫn đang hàng ngày phải chấp nhận “sống chung với lũ”.
Luật sư Hoàng Đạo - Văn phòng Luật sư 24/7 cho biết, hiện nay, việc tranh chấp tại các dự án chung cư do các chủ đầu tư vẫn tìm cách lách luật. Vì vậy, trước khi có một cơ chế hợp lý được ban hành, người dân phải biết cách để tự bảo vệ mình trước. Cụ thể, đối với việc tranh chấp trong sử dụng dịch vụ tại dự án chung cư, người dân cần phải tìm hiểu kỹ khi ký vào hợp đồng sử dụng dịch vụ của tòa nhà từ trước khi chuyển đến sinh sống.
“Với việc một số chủ đầu tư tự ý cắt nước, cắt điện khi bị cư dân phản đối mức dịch vụ để gây sức ép, xét về khía cạnh trách nhiệm với cộng đồng thì chủ đầu tư sai. Nhưng phải xét cả về hợp đồng thỏa thuận sử dụng dịch vụ, nếu người dân đã “lỡ” ký vào rồi thì đành phải chấp nhận” - luật sư Đạo nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Quốc Việt - Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, ngay từ khi ký hợp đồng mua nhà và trước khi nhận bàn giao, ký hợp đồng sử dụng dịch vụ người dân cần phải tìm hiểu các mức phí dịch vụ mà chủ đầu tư đưa ra và phải có sự thỏa thuận từ đầu, chứ không phải đến khi ký hợp đồng rồi thì mới đấu tranh về việc thu cao hay thu thấp.
“Trước khi ký hợp đồng cần phải làm rõ mức thu như thế nào là hợp lý, nếu là cao thì dựa vào khung giá nào thì được đánh giá là cao… Còn trong trường hợp khi ký hợp đồng chủ đầu tư đưa ra mức phí dịch vụ thấp để thuận lợi bán hàng, nhưng khi người dân vào ở lại đặt ra một mức cao hơn thì chủ đầu tư đang vi phạm hợp đồng, người dân có thể khởi kiện ra tòa” - ông Việt chia sẻ.
Cũng theo các chuyên gia, việc thu phí dịch vụ tại các dự án chung cư có thể điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm. Nhưng việc tăng giá phải có lộ trình và phải có lý do chính đáng do giá cả thị trường biến động ở những thời điểm khác nhau, chủ đầu tư không được phép tự ý tăng giá, sau đó vấp phải sự phản đối của người dân thì gây sức ép bằng cách cắt điện, cắt nước.