Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều bạn trẻ chọn học nghề nấu ăn

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những người học nghề Kỹ thuật Chế biến món ăn có cơ hội được đi làm thêm ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Thậm chí, nhiều học sinh, sinh viên chưa tốt nghiệp ra trường đã được các nhà hàng, khách sạn tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập khởi điểm từ 8 triệu đồng/tháng.

Nhu cầu lao động ngành Ẩm thực đang rất lớn

Một trong những lợi thế và đặc trưng của du lịch Việt Nam đó chính là ẩm thực. Đặc biệt, Việt Nam được thừa hưởng ẩm thực truyền thống có rất nhiều món ăn mang tính đặc sản vùng miền phù hợp với khách du lịch trong và ngoài nước. Những món ăn này không chỉ tốt về mặt dinh dưỡng mà còn đem lại cho thực khách những trải nghiệm ẩm thực thú vị.

Trong thời gian qua, với sự phát triển mạnh mẽ của loại hình kinh doanh ẩm thực thì nhu cầu về lao động trong ngành hàng này đang tăng cao, đặc biệt là lao động qua đào tạo. Người lao động không chỉ giỏi về kỹ năng chuyên môn mà phải có khả năng quản lý quá trình nấu ăn từ việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng, cũng như tổ chức nhà hàng, khách sạn với những hoạt động hấp dẫn du khách và mang lại hiệu quả.

Học sinh, sinh viên thực hành nghề Kỹ thuật Chế biến món ăn. Ảnh: Trần Oanh
Học sinh, sinh viên thực hành nghề Kỹ thuật Chế biến món ăn. Ảnh: Trần Oanh

Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho loại hình kinh doanh ẩm thực, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội, trong đó Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội tuyển sinh và đào tạo ngành Kỹ thuật Chế biến món ăn.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội TS. Trịnh Thị Thu Hà chia sẻ: “Trong quá trình tổ chức đào tạo, ngay từ năm đầu tiên, chúng tôi đã bố trí cho sinh viên ngành Kỹ thuật Chế biến món ăn được tiếp xúc nghề nghiệp. Theo đó, các em được đưa đến những nhà hàng tiêu biểu để tìm hiểu về vị trí công việc cũng như hoạt động tại đây”.

Để trang bị cho học sinh, sinh viên ngành Kỹ thuật Chế biến món ăn kỹ năng nghề khi ra trường làm được việc ngay, các trường trung cấp, cao đẳng đều thiết kế chương trình học với tỷ lệ lý thuyết và thực hành lần lượt là 30% và 70%.

Thậm chí, tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội, thời gian học thực hành của sinh viên ngành Kỹ thuật Chế biến món ăn trên 70% với rất nhiều buổi làm các món ngay tại xưởng nhà trường. Những giáo viên nhà trường có quán hàng đã tạo điều kiện cho học sinh đến thực hành để rèn kỹ năng nấu ăn.

Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long chuyên đào tạo nghề nên Ban lãnh đạo thiết kế 75% chương trình học tại xưởng thực hành của trường với đầy đủ trang thiết bị đạt tiêu chuẩn giống như khách sạn 3 sao. Ngoài ra, học sinh được thực tập 3 tháng tại tập đoàn khách sạn 3 - 5 sao (FLC, Mường Thanh), các nhà hàng đặc sản theo chuyên đề, những bếp ăn với quy mô lớn.

Đối với học sinh Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội, trong 2 năm học nghề Kỹ thuật Chế biến món ăn, các em có 3 tháng thực hành chế biến những món tại trường với sự hướng dẫn của giáo viên, sau đó được đưa đến khách sạn 4 - 5 sao, nhà hàng, khu resort để tiếp cận công nghệ, môi trường làm việc.

“Chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo nghề Kỹ thuật Chế biến món ăn vừa sức với người học và gắn liền với hoạt động của nhà hàng, khách sạn mà nhà trường có sự phối hợp, đã mang lại hiệu quả rõ rệt” - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội Nguyễn Xuân Hùng cho hay.

Mức lương đầu bếp lên tới 50 triệu đồng/tháng

Với sự phát triển của loại hình kinh doanh ẩm thực nên cơ hội việc làm của người học ngành Kỹ thuật Chế biến món ăn rất lớn. Và, để học sinh, sinh viên yên tâm học nghề Kỹ thuật Chế biến món ăn, nhiều trường cam kết giới thiệu việc làm với mức lương thỏa đáng.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long Tạ Văn Xã chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp, học sinh được nhà trường giới thiệu việc làm tại các DN kinh doanh ăn uống có sự liên kết hợp tác với nhà trường, đó là Tập đoàn Khách sạn FLC, Tập đoàn Khách sạn Zohotels, với mức lương khởi điểm trên 8 triệu đồng/tháng cộng với tiền thưởng theo doanh thu của đơn vị và hiệu quả công việc của mỗi cá nhân. Học sinh tốt nghiệp ra trường có việc làm chiếm tỷ lệ trên 90%, với mức thu nhập ổn định 8 - 15 triệu đồng/tháng. Sau 5 năm, nhiều học sinh đã trở thành bếp trưởng ở các nhà hàng, khách sạn 3 sao trở lên.

Thực tế cũng ghi nhận, nhiều học sinh, sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp đã được những đơn vị tuyển dụng mà không cần đến nhà trường giới thiệu. Lại có nhiều em tự khởi nghiệp đầu tư làm chủ quán hàng, nhà hàng ăn uống và thuê thêm nhân viên làm việc.

Đó là em Nguyễn Như Khoa mở Nhà hàng Ớt Đỏ ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội; em Trần Thị Nhung làm chủ quán Bún miến lươn Nghệ An ở quận Long Biên, Hà Nội. Nhiều bạn khác làm dịch vụ nấu tiệc, cỗ di động.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội TS. Nguyễn Công Đại cho hay: Học sinh, sinh viên ngành Kỹ thuật Chế biến món ăn của trường khi mới tốt nghiệp ra trường đi làm đúng chuyên môn chiếm tỷ lệ trên 90%, mức lương khởi điểm 8 triệu đồng/tháng. Các em sau 2 - 3 năm làm việc, tay nghề được nâng cao, thu nhập tăng lên 16 - 20 triệu đồng/tháng. Với sự cố gắng rèn kỹ năng nghề, có bạn được đề bạt làm quản lý khu vực bếp. Những em nhanh nhẹn và có tư duy kinh doanh đã đứng ra bao thầu bếp ăn của nhà hàng rồi thuê người làm.

Kết quả khảo sát sinh viên học ngành Kỹ thuật Chế biến món ăn Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho thấy, khi mới tốt nghiệp, các em đi làm phụ bếp có mức lương cơ bản khoảng 8 triệu đồng/tháng. Có em sau gần 3 năm làm việc, từ phụ bếp đã chuyển lên vị trí phó bếp, trưởng bếp thu nhập tới 30 triệu đồng/tháng.

Có sinh viên sau 1 - 2 năm làm tại khách sạn, với kỹ năng tay nghề cứng đã trở thành đầu bếp, tiền lương 50 triệu đồng/tháng. Không chỉ làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch trong nước hay tự khởi nghiệp; học sinh, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Chế biến món ăn còn có cơ hội làm đầu bếp tại những quốc gia phát triển với mức lương hấp dẫn 80 - 100 triệu đồng/tháng.

Từ việc học nghề Kỹ thuật Chế biến món ăn đã giúp cho nhiều học sinh Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội sang Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu làm việc trong các nhà hàng, khách sạn, với mức lương vô cùng hấp dẫn từ 1.800 - 2.000 USD/tháng. Những em có tay nghề cao, tiền lương lên tới 3.000 USD/tháng, là một trong những yếu tố thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ theo đuổi học nghề Kỹ thuật Chế biến món ăn.

 

Nghề Kỹ thuật Chế biến món ăn giúp đầu bếp có việc làm ổn định vì nhu cầu ăn uống ngày nay đã dịch chuyển rất nhiều từ “Ăn no, mặc ấm” sang “Ăn ngon, mặc đẹp” tới “Ăn kiêng, mặc mốt”. Nhưng công việc này cũng đòi hỏi người đầu bếp phải học, trang bị kiến thức nền tảng, thực hành nhiều mới đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thực khách.

Với cơ cấu bộ phận bếp có các vị trí từ thấp đến cao là nhân viên, tổ trưởng bếp nguội/cắt thái/chảo, bếp phó/bếp trưởng, người làm nghề Nấu ăn vẫn có thể phát triển lên được vị trí giám đốc nhà hàng, khách sạn.

Tuy nhiên, tiền lương của bộ phận bếp được các DN kinh doanh ăn uống chi trả cao hơn những bộ phận khác, thậm chí tiền lương của bếp trưởng có khi cao bằng hoặc hơn quản lý nhà hàng, giám đốc khách sạn.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long Tạ Văn Xã