Bộ Y tế thường xuyên tổ chức các buổi hội chẩn quốc gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Nhật Nguyên |
“Sống rồi”
BN1536 là trường hợp nặng nhất, nặng hơn cả BN 91- nam phi công người Anh. BN 1536 hiện đang điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng, đã được cai ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể - phương pháp hỗ trợ sự tuần hoàn và hô hấp khi tim hoặc phổi hay cả hai đều không thể hoạt động bình thường) 18 ngày, phổi BN thông khí khá tốt, oxy máu luôn đảm bảo. Các bác sĩ cho BN duy trì thuốc hỗ trợ nâng đỡ các cơ quan, tiếp tục lọc máu... BN được chẩn đoán viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, trên bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, suy tim. Bác sĩ Lê Thành Phúc - Giám đốc BV Phổi Đà Nẵng cho biết, tuy còn suy thận nhưng các tạng khác cơ bản tiến triển tốt. "BN chắc chắn sống rồi, tiến triển rất kỳ diệu!" – BS Phúc xúc động nói.Trường hợp nặng khác là BN1823 (65 tuổi) đang điều trị tại BV Nhiệt Đới T.Ư cơ sở 2 đã có nhiều tiến triển về sức khoẻ. Nam BN này đã ngừng ECMO ngày thứ 2 thành công sau 27 ngày liên tục can thiệp ECMO. Hiện các cơ quan chức năng của BN hoạt động khá ổn định và đang được tiếp tục duy trì chăm sóc hô hấp, dinh dưỡng, tập vận động phục hồi chức năng và cai dần máy thở. BN 1823 đã có kết quả xét nghiệm 4 lần âm tính liên tục với SARS-CoV-2. Lần gần nhất là ngày 9/3. Còn trường hợp BN2332 - vốn là BN rất nặng điều trị tại BV dã chiến số 2 - trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Sau gần một tháng điều trị, hiện BN đã hết sốt được 14 ngày, các xét nghiệm trở về bình thường, tổn thương phổi cải thiện rất tốt. Kết quả xét nghiệm SARS-CoV- 2 của BN 2 lần gần đây đã âm tính liên tục. BN đã tự thở khí phòng, có thể tự đi lại, sinh hoạt, không cần sự trợ giúp của y bác sĩ. Trước đó, BN nhập viện điều trị ngày 18/2 trong tình trạng nặng, phải thở máy không xâm nhập, tiên lượng rất nặng, chỉ số nồng độ bão hòa oxy trong máu chỉ 70%. Bác sĩ đánh giá BN nguy kịch, không đáp ứng thở máy không xâm nhập, phải đặt ống nội khí quản, thở máy, điều trị tại phòng Hồi sức tích cực. Nỗ lực cứu chữa bệnh nhânTheo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, khi người bệnh đã có một bệnh lý nền nặng nay nhiễm virus, cơ thể sẽ có phản ứng rất mạnh lại với virus không chỉ Covid-19 mà kể cả cúm hay các virus thông thường đều tạo điều kiện xâm nhập cơ thể. Vì vậy, việc tìm cơ hội cho những BN đó sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần so với các BN có tổn thương nhẹ. Qua những đợt dịch, các bác sĩ luôn nỗ lực cao nhất để cứu chữa BN Covid-19, mục tiêu là không để người bệnh tử vong.Tại các buổi hội chẩn quốc gia, Bộ Y tế đã mời những chuyên gia đầu ngành đến từ các BV lớn nhất, tuyến cuối như Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Chợ Rẫy… để có những phương án điều trị phù hợp cho từng BN nặng.Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ đã cùng các đơn vị y tế tập trung toàn tâm, toàn lực, huy động những trang thiết bị tốt nhất để điều trị cho BN, đặc biệt là BN nặng mắc cùng lúc nhiều bệnh lý nền nguy hiểm. “Mặc dù trong giai đoạn này, số lượng BN nặng chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng vẫn cần sự theo dõi sát của đội ngũ bác sĩ. Tại các buổi hội chẩn, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh luôn sẵn sàng cho tình huống có nhiều BN nặng để chủ động trong công tác điều trị” – ông Lương Ngọc Khuê nói.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến ngày 14/3, Việt Nam đã chữa khỏi 2.086 BN Covid-19. Trong số các BN Covid-19 đang điều trị có 187 BN đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1 - 3 lần gồm: 48 ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; 48 ca âm tính lần 2; 91 ca âm tính lần 3.