Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch do tác hại của khói thuốc

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, số người trẻ hút thuốc lá vẫn tiếp tục gia tăng dù đã có nhiều lời cảnh báo về những tác hại khôn lường đến sức khoẻ. 90% ca ung thư phổi liên quan tới thuốc lá, nguy cơ ung thư phổi từ hút thuốc lá thụ động từ 20 - 30%.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua thực tế lâm sàng tại bệnh viện có rất nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch do tác hại của khói thuốc.

Một bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), phải đặt nội khí quản, thở máy tốn rất nhiều tiền. Sau thời gian nằm viện, bệnh nhân tiếp tục hút thuốc lá và bị đợt cấp phải nhập viện điều trị.

90% ung thư phổi liên quan tới thuốc lá, nguy cơ ung thư phổi từ hút thuốc lá thụ động từ 20 - 30%.
90% ung thư phổi liên quan tới thuốc lá, nguy cơ ung thư phổi từ hút thuốc lá thụ động từ 20 - 30%.

Có nhiều bệnh nhân khác bị ung thư phổi, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cũng do tác hại của khói thuốc. Nhiều ca bệnh thương tâm do thuốc lá điện tử cũng đã được báo cáo như trường hợp sau hút gây cháy nổ vỡ cả hàm. Có trường hợp tổn thương phổi cấp chỉ sau vài hơi thuốc, có trường hợp hút xong thì liệt tứ chi và sống cuộc đời phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở…

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, thuốc lá nguy hiểm chết người dưới mọi hình thức và vỏ bọc.

90% trường hợp được chẩn đoán K phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá; 75% các ca bệnh phổi tác nghẽn mạn tính có nguyên nhân từ khói thuốc. Người hút thuốc lá có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần người không hút thuốc....

Trong đó, COPD là bệnh lý tiến triển chậm với các triệu chứng: Mệt mỏi, khó thở, ho mạn tính ở người hút thuốc, khạc đờm, khò khè. … Nhưng nhiều bệnh nhân không đến thăm khám vì những triệu chứng hô hấp này.

Do vậy, cơ sở y tế cần tăng cường nhận thức của người  dân về COPD; xây dựng quy trình phát hiện sớm COPD tại tuyến y tế cơ sở, góp phần làm giảm nguy cơ đợt cấp COPD…

Thuốc lá nguy hiểm chết người dưới mọi hình thức và vỏ bọc.
Thuốc lá nguy hiểm chết người dưới mọi hình thức và vỏ bọc.

Trong khi đó, TS Phạm Thị Lệ Quyên - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, hút thuốc lá là bệnh lý chứ không phải chỉ là thói quen. Hút thuốc lá rất dễ nghiện, nhanh nghiện và khi đã nghiện thì rất khó cai.

Bí quyết giúp cai thuốc là thành công là quyết tâm - hiểu biết - hỗ trợ. Tư vấn ngắn và tư vấn sâu, kết hợp với sử dụng thuốc cai thuốc lá sẽ giúp người nghiện cai thuốc thành công.

Cảnh báo tác hại của thuốc lá, bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, 90% ung thư phổi liên quan tới thuốc lá, nguy cơ ung thư phổi từ hút thuốc lá thụ động từ 20 - 30%. Hầu hết ung thư phổi giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, khi có triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

“Chụp cắt lớp vi tính (CT) liều thấp là một trong những công cụ để sàng lọc ung thư phổi trên đối tượng nguy cơ cao một cách hiệu quả. Quản lý các nốt tổn thương phát hiện trên CT rất quan trọng để giúp chẩn đoán sớm và tránh các xét nghiệm không cần thiết” - bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa chỉ rõ.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs). Vì vậy chúng chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

Ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử.

Để giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, đại diện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đề xuất, tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, truyền thông rộng rãi đến người dân.

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam là 38,8%, trong khi đó ở Malaysia là 58,6%, Singapore là 67,5% và Thái Lan là 78,6%. Tỷ lệ này ở các nước phát triển là 67,9%, còn trung bình toàn cầu là 61,5%.

Theo khuyến cáo của WHO, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần ở mức 70% - 75% giá bán lẻ; tăng thuế thuốc lá thường xuyên để giá thuốc lá tăng nhanh hơn lạm phát và mức tăng thu nhập. Ngoài ra, nên tăng thuế thuốc lá để trong ngắn hạn nhằm đạt mục tiêu kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm.