Đặc biệt, tại Hà Nội, trong trưa nay (5/6) một phụ nữ đang lưu thông trên đường Xã Đàn đã ngất xỉu và tử vong sau đó. Tại tỉnh Tuyên Quang, nắng nóng cũng khiến một người đàn ông tử vong.
Nhiều người tử vong vì nắng nóng
Về ca tử vong trên phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), vào khoảng 10 giờ sáng nay (5/6), giữa thời tiết nắng nóng đặc biệt gay gắt, một cụ bà khoảng 70 tuổi điều khiển xe máy lưu thông trên con phố này bất ngờ ghé vào ven đường.
Sau đó, cụ bà tạt xe vào lề đường rồi ngất xỉu. Phát hiện sự việc, nhiều người dân đã nhanh chóng sơ cứu rồi gọi cho cấp cứu nhưng cụ bà đã tử vong sau đó.
Thời điểm cụ bà tử vong, thời tiết Hà Nội đang nắng rất gay gắt. Do vậy, nhiều người dân cho rằng có thể thời tiết là nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên.
Cũng liên quan tới thời tiết khắc nghiệt, ngày 4/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhân C. V. K., 42 tuổi, trú tại Thái Long, Hàm Yên, Tuyên Quang trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không biết, sốt cao 40 độ C, da niêm mạc nhợt nhạt, được chẩn đoán sốc nhiệt.
Theo người nhà bệnh nhân kể lại, bệnh nhân đi gặt lúa về thì xuất hiện hoa mắt, chóng mặt, sau đó ngất đi nên gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa huyện Yên Sơn để cấp cứu và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để được điều trị tiếp.
Bác sĩ Đào Ngọc Việt - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) cho hay, bệnh nhân K. ngay khi nhập viện đã được chườm mát, hạ sốt, bù dịch, bổ sung điện giải, dùng thuốc vận mạch, chống sốc, xét nghiệm bệnh nhân có biểu hiện suy đa tạng.
Mặc dù đã được các bác sỹ tập trung cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân sức khỏe quá yếu, tiên lượng tử vong cao, nên sáng sớm ngày 5/6, gia đình đã xin cho bệnh nhân được xuất viện.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, trong hai ngày cuối tuần, thứ 7 và Chủ nhật vừa qua, số lượng bệnh nhi đến khám, nhập viện lên đến vài trăm lượt, chủ yếu có triệu chứng ho và sốt.
Bình quân mỗi ngày Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận 450 bệnh nhi, tăng 20% so với tuần trước. Các bệnh nhi đi khám với các triệu chứng như sốt virus, phát ban, dị ứng thời tiết, viêm đường hô hấp.
Còn tại tỉnh Nghệ An, bác sĩ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, số trẻ đến khám bệnh cũng như phải nhập viện điều trị nội trú trong thời điểm thời tiết nắng nóng mấy ngày qua khiến bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Sản nhi Nghệ An có từ 1.200 - 1.300 trẻ đến khám bệnh, số bệnh nhân được điều trị nội trú đã lên tới hơn 1.300 người.
Bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh
Trước tình hình nắng nóng diễn ra liên tục trong một tuần qua, chiều 5/6, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc, y tế các bộ-ngành tăng cường công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh mùa hè cho người bệnh.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, mùa hè năm 2017 tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, trái quy luật, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Trong thời gian tới, tiếp tục có những đợt nắng nóng trên diện rộng, đặc biệt là khu vực Hà Nội, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân và phòng tránh tác hại của nắng nóng đến sức khỏe, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc, y tế các ngành bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh.
Tại khoa khám bệnh của các bệnh viện cần bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh.
Các bệnh viện tăng cường nhân lực, bố trí đầy đủ bàn khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh; Bảo đảm tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tốt.
Tại các khoa điều trị, Bộ Y tế yêu cầu tùy theo điều kiện cụ thể, bệnh viện lắp đặt quạt điện hoặc điều hòa nhiệt độ ở những nơi cần thiết đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; cung cấp đủ nước uống miễn phí, nước sạch cho người bệnh.
Các bệnh viện bố trí không để hoặc hạn chế tối đa tình trạng nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện; Bảo đảm bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng hô hấp, tiêu hóa...
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần chủ động lên kế hoạch tiếp nhận, xử trí, điều trị các bệnh mùa Hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp và mới nổi.