Thí sinh hoàn thành bài thi toán
Hết buổi thi môn toán sáng nay, trời vẫn tiếp tục mưa lớn. Là một trong những thí sinh rời điểm thi Trường THPT Phúc Lợi – Long Biên sớm nhất, em Nguyễn Trí Đức, học sinh Trường THCS Việt Hưng - Long Biên chia sẻ: “Đề thi Toán năm nay vừa sức, có 1 câu khó ở bài hình số 4. Em dự đoán được trên 9 điểm. Em thấy đề năm nay nói chung hay, có tính phân loại”.
Thí sinh Nguyễn Hải Duy, học sinh Trường THCS Phú La – Hà Đông cho biết: “Em làm bài tương đối tốt. Đề thi có hai bài cuối khó nên phải mất nhiều thời gian suy nghĩ hơn. Sau khi thử nhiều cách, em đành đầu hàng với bài cuối. Nó nằm ngoài sức của em nên em không có gì phải tiếc nuối”.
Nở nụ cười tươi đón con về, anh Ngô Xuân Trung, trú tại huyện Mỹ Đức tránh hỏi con làm bài được không mà chỉ nói: “Nghỉ ngơi được rồi”. Con anh, thí sinh Ngô Xuân Hiếu cũng cười, đáp lại: “Con đoán được tầm hơn 7 điểm môn toán”.
Em Nguyễn Đức Duy, học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều cho biết: "Em thấy đề thi năm nay vừa sức, khó nhất ý 2 của câu hình. Em dự đoán được khoảng 8 điểm cho môn toán.
Một thí sinh thi điểm thi Trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên bật khóc khi nhìn thấy mẹ vì chưa làm bài thi tốt. Người mẹ động viên "Con đã thành công khi đã cố gắng hết sức mình rồi!"
Đề toán dễ hơn năm trước, điểm trung bình là 7
Nhận đinh về đề thi môn toán – kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên TP Hà Nội năm học 2024-2025, thầy Nguyễn Mạnh Cường – giáo viên toán, Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết: đề thi năm nay vẫn giữ được tính ổn định về cấu trúc so với các năm gần đây; đồng thời bám sát cấu trúc định dạng và đề minh họa do sở công bố nhưng giảm nhẹ về độ khó. Bên cạnh đó, đề vẫn có sự phân hóa để đảm bảo yêu cầu, tính chất của một đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Với đề thi này, mức điểm trung bình của thí sinh có thể ở khoảng 7 điểm.
Cấu trúc đề thi gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó với các dạng bài đã rất quen thuộc nhằm tránh gây xáo trộn cho thí sinh.
Bài 1 là dạng quen thuộc và không gây khó khăn cho thí sinh; ý 3 có thể mất điểm nếu thí sinh thiếu điều kiện x ≠1 .
Bài 2 giữ nguyên tính ổn định về cấu trúc và dạng bài. Ý đầu là giải bài toán bằng cách lập phương trình – hệ phương trình có yếu tố thực tế. Thí sinh cần có khả năng phân tích đề, chọn từ khóa và dữ kiện mấu chốt để giải quyết bài toán. Ý thứ 2 là câu hỏi liên quan đến hình học không gian, thí sinh chỉ cần vận dụng đúng công thức là tìm ra đáp án.
Bài 3 là các dạng bài quen thuộc và có giảm nhẹ về độ khó (ý 2b). Cấu trúc bài toán tương tự như các năm gần đây, gồm câu hỏi giải hệ phương trình đưa về bậc nhất và câu hỏi về sự tương giao giữa đồ thị hai hàm số. Trong đó, ý 2b thí sinh cần vận dụng định lý Vi-et để xử lý (biểu thức đề bài cho đã giảm bớt các bước biến đổi để vận dụng định lý).
Bài 4 tương tự như đề thi các năm trước, đây là một bài toán về hình học và các dạng bài xuất hiện trong các câu hỏi đều là dạng bài quen thuộc như chứng minh tứ giác nội tiếp, chứng minh góc bằng nhau, chứng minh đẳng thức và chứng minh đường thẳng đi qua điểm. Và ý c của bài toán vẫn luôn là câu hỏi khó, dành để phân loại thí sinh.
Bài 5 là bài toán về bất đẳng thức và là câu hỏi có tính phân loại của đề. Bài toán giảm về độ khó và để giải quyết, thí sinh cần vận dụng linh hoạt các kỹ năng biến đổi biểu thức và áp dụng bất đẳng thức hợp lý, đúng thời điểm với các dữ kiện đề bài đã cho.
Sau khi kết thúc bài thi môn toán, hơn 105.000 thí sinh Hà Nội đã hoàn tất kỳ thi lớp 10 công lập không chuyên năm nay. Dù kết quả có thế nào, các em cũng xứng đáng được động viên, nghỉ ngơi, giải trí sau thời gian dài học tập và ôn luyện.
Dưới đây là ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị sau khi thí sinh hoàn thành bài thi môn toán:
Ngày mai (10/6), những thí sinh có nguyện vọng thi chuyên sẽ tiếp tục “chiến đấu” với bài thi môn chuyên; buổi sáng thi chuyên văn, toán, tin, sinh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn (môn thay thế); buổi chiều thi các môn chuyên: lý, sử, địa, hóa, tiếng Anh.