Sáng 23/9, Đại hội Công đoàn (ĐHCĐ) TP Hồ Chí Minh khóa XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, diễn ra phiên thứ 2 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có phần bầu cử Ban Chấp hành khóa XII.
Đến dự đại hội có Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Trần Thanh Hải; Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải cùng đại diện các ban, ngành của TP và 549 đại biểu đại diện cho hơn 1,3 triệu đoàn viên Công đoàn TP.
Trong phần diễn văn khai mạc đại hội, Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy thông tin, để tiến tới ĐHCĐ TP lần thứ XII, có 13.300 công đoàn cơ sở (CĐCS) và 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức thành công đại hội.
ĐHCĐ các cấp đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn TP. Trong quá trình chuẩn bị đại hội, có hàng nghìn ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các lãnh đạo TP, nguyên lãnh đạo TP, các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy các cấp; của cán bộ công đoàn qua các thời kỳ; của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động TP đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị của đại hội.
Hoạt động Công đoàn TP đứng trước nhiều vấn đề mới, đặc biệt là Việt Nam đang trong quá trình thực hiện cam kết các định chế quốc tế, trong đó có những cam kết về lao động, quan hệ lao động ngày càng đa dạng nhưng dự báo cũng sẽ rất phức tạp, yêu cầu, đòi hỏi của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn ngày càng cao, đặt ra cho tổ chức Công đoàn phải đổi mới trong hoạt động, phải thực sự là tổ chức tập hợp được người lao động, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tham gia giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xây dựng đội ngũ công nhân thành phố vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.
“Từ những yêu cầu, nhiệm vụ trên, ĐHCĐ TP lần thứ XII có nhiệm vụ đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện Nghị quyết ĐHCĐ TP lần thứ XI; kiểm điểm sâu sắc, toàn diện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành khóa XI, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm; rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ mới; đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và góp ý sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đại hội cũng sẽ tiến hành lựa chọn bầu Ban Chấp hành LĐLĐ TP khóa XII và bầu Đoàn đại biểu dự ĐHCĐ Việt Nam lần thứ XIII là những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết ĐHCĐ lần thứ XII đề ra”, bà Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết ĐHCĐ lần thứ XI, báo cáo tóm tắt chính trị cũng đánh giá, nhận định. Theo đó, Nghị quyết ĐHCĐ TP lần thứ XI đề ra 11 nhóm chỉ tiêu (8 nhóm chỉ tiêu thuộc trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, 3 nhóm chỉ tiêu tổ chức Công đoàn phối hợp thực hiện), kết quả tính đến cuối năm 2022, đã có 9/11 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt, có 2/11 nhóm chỉ tiêu chưa đạt.
Tại phiên làm việc thứ 2 của ĐHCĐ TP Hồ Chí Minh khóa XII (nhiệm kỳ 2023 - 2028), 549 đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành khóa mới gồm 55 ủy viên. Chiều nay đại hội sẽ bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.
Về chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2023 - 2028, ĐHCĐ lần thứ XII sẽ tập trung triển khai 3 khâu đột phá theo định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028. Cụ thể: Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc. Xây dựng đội ngũ Chủ tịch CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính.
Để thực hiện thành công các khâu đột phá nêu trên, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh tổ chức xây dựng, triển khai 3 chương trình trọng tâm. Đó là: Chương trình “Nâng cao năng lực đại diện, hiệu quả thương lượng tập thể, đối thoại tại nơi làm việc, thực hành dân chủ ở cơ sở”. Chương trình “Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, đổi mới công tác vận động, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam”. Chương trình “Công đoàn thành phố đẩy mạnh hoạt động trợ vốn, tín dụng cá nhân, tích cực tham gia phòng chống tín dụng đen trong công nhân lao động”.