Nhiều chuyên đề quan trọng sẽ được HĐND TP Hà Nội quyết nghị tại kỳ họp thứ 4

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/6, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã họp báo giới thiệu về kỳ họp thứ 4, HĐND TP khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì cuộc họp.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi họp báo.

Kỳ họp thứ 4, HĐND TP sẽ khai mạc vào ngày 3/7, kéo dài đến 5/7. Tại Kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét các báo cáo thường kỳ về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), an ninh, quốc phòng, dự toán thu chi 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm; công tác phòng chống tham nhũng; điều hành của HĐND, UBND TP… Đồng thời, quyết nghị các Nghị quyết, chuyên đề quan trọng như: Nghị quyết về danh mục các dự án khởi công mới thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 của TP; Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2017; Nghị quyết về mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2017 - 2018…

Một điểm mới của kỳ họp được nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên HĐND TP ban hành nghị quyết về kết quả giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn. Việc này không chỉ nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận mà còn tăng cường huy động nguồn lực từ đất đai để phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, HĐND TP cũng sẽ xem xét Nghị quyết thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”. Thời gian qua, việc Hà Nội dự kiến sẽ hạn chế, tiến tới cấm xe máy trong nội thành đến năm 2030 đang được dư luận rất quan tâm.

Cùng đó, HĐND TP Hà Nội cũng sẽ tiếp tục thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn của đại biểu HĐND đối với UBND TP và các cơ quan liên quan, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc nổi cộm đang được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong 1 ngày. Một điểm được lưu ý trong phiên chất vấn lần này là Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND TP dự và trực tiếp trả lời các câu hỏi phỏng vấn của đại biểu theo sự phân công của Chủ tịch UBND TP và của Chủ tọa kỳ họp. Cuối phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ báo cáo trước HĐND TP, giải trình làm rõ thêm một số nội dung chất vấn.

Theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam, tại phiên chất vấn này, HĐND TP sẽ dành khoảng 1/2 thời gian để tái chất vấn những vấn đề UBND đã hứa nhưng chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu đáo. Sau các câu hỏi chất vấn và phần trả lời chất vấn, các đại biểu HĐND TP có thể tranh luận trực tiếp, tăng tính tranh luận tại nghị trường. Hiện tổng hợp từ các vấn đề đại biểu quan tâm, gửi về Thường trực, HĐND TP đã tổng hợp 40 câu hỏi chất vấn. Trong đó, tập trung nhiều ở các lĩnh vực như kinh tế, quản lý trật tự xây dựng, đô thị, môi trường… Những nội dung không chất vấn trực tiếp tại hội trường, HĐND TP cũng yêu cầu UBND TP trả lời đại biểu bằng văn bản.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định: Trong các kỳ họp, các vấn đề được đưa ra xem xét, quyết nghị đều là các vấn đề lớn, quan trọng, tác động nhiều mặt đến đời sống dân sinh, với sự phát triển KT-XH của TP trong thời gian trước mắt và lâu dài. Như Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030” đã được Thường trực HĐND, UBND chủ đạo chuẩn bị nghiêm túc, đúng luật, tiến hành các bước đúng quy trình. Tổ chức lấy ý kiến người dân, MTTQ, chuyên gia bằng nhiều hình thức. Các Ban HĐND cũng đã chủ động tổ chức khảo sát, thu thập thông tin phục vụ công tác thẩm tra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần