Nhiều cơ hội cho dệt may Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng dệt may Việt Nam đang có đà tăng trưởng, bứt phá ngoạn mục nhờ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp ký kết, đồng thời có nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường lớn.

Thuế xuất khẩu (XK) hàng dệt may sang nhiều thị trường có thể giảm về 0% là cơ hội để hàng dệt may Việt Nam tăng tốc.

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Đặng Phương Dung cho rằng, là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam nhưng dệt may không phải là ngành mà Nhà nước cần phải nắm giữ vốn.
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Đức Giang. Ảnh: Trần Việt
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Đức Giang. Ảnh: Trần Việt
Trong nền kinh tế thị trường và trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, theo chủ trương của Nhà nước, việc tăng cường cổ phần hóa các DN dệt may mà Nhà nước nắm giữ vốn là một tất yếu, giúp các DN được cởi trói bởi các quy định quản lý nặng về thủ tục hành chính sang linh hoạt hơn và tự quyết bởi các DN. Điều đó đã và đang được chứng minh trên thực tế bởi các DN sau cổ phần hóa đã phát triển mạnh mẽ như: Công ty CP May Hồ Gươm, Công ty CP May Sông Hồng Nam Định, Công ty CP TNG, Công ty CP May Hà Bắc, Bắc Giang, Công ty CP May Hai Hải Phòng...

Đối với thuận lợi và thách thức của ngành dệt may đang phải đối mặt, bà Dung cho rằng, ngành dệt may Việt Nam hiện đang có nhiều thuận lợi, cơ hội phát triển nhanh bởi Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết nhiều FTA song phương, đa phương, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương giúp dệt may tăng khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường XK do cắt giảm thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, hệ thống quy định pháp luật, hệ thống thủ tục hành chính đang được giải quyết đồng bộ theo hướng thuận lợi, đơn giản hóa cho DN, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài vào các khâu dệt may đang yếu như dệt, nhuộm, hoàn tất sản phẩm... giúp ngành có thể khai thác các lợi thế do các FTA mang lại. Tuy nhiên, hiện dệt, nhuộm, hoàn tất sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của may XK, ngành đang lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu (70%), tỷ lệ nội địa hóa thấp (50%), giá trị gia tăng thấp vì có tới 65 - 70% là làm gia công; năng suất lao động chưa cao trong khi ngành sử dụng thâm dụng lao động, sức ép của tiền lương, tiền lương tối thiểu tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động, giá thành còn cao, khó cạnh tranh... Đồng thời, đa số các DN sản xuất cung cấp nguyên phụ liệu ngành may là DN vừa và nhỏ, năng lực hạn chế khó đáp ứng được yêu cầu. Trong nhiều giải pháp giải quyết khó khăn này, việc hợp tác giữa DN lớn và DN phụ trợ trong ngành dệt may đã cho thấy những kết quả nhất định.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng trị giá XK hàng dệt may của Việt Nam đạt 10,26 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2014. Mỹ, EU và Nhật Bản tiếp tục là 3 đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2014 tương ứng là: 5,13 tỷ USD và 13,1%; 1,54 tỷ USD và 4,9%; 1,22 tỷ USD và 4,7%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần