Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu, hôm 12/11, tại Hà Nội, Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Nam tổ chức tọa đàm về tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và khai trương Dự án năng lực thương mại Việt Nam (TCV).
Năng lực thương mại Việt Nam là một trong sáu tiểu dự án trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu tại Việt Nam (MUTRAP) giai đoạn 2014-2017. Dự án có tổng ngân sách là 525.000 euro, trong đó Liên minh Châu Âu tài trợ 90%. Dự án nhằm thúc đẩy hội nhập của Việt Nam vào hệ thống thương mại quốc tế, nâng cao quan hệ thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu, tối ưu hóa các lợi ích cho phát triển kinh tế, tăng trưởng toàn diện và xóa đói giảm nghèo.
Khai trương Dự án Năng lực thương mại Việt Nam
|
Ông Jean Jacque Bouflet, Tham tán công sứ của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết: Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc loại bỏ thuế quan khi hiệp định có hiệu lực và tiếp cận thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ. Hiệp định này cũng sẽ có tác động quan trọng trên các luồng vốn đầu tư vào Việt Nam, tác động trực tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là đối với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm trung gian và sản xuất sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và thị trường nước ngoài khác.
Dự án Năng lực thương mại Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác triệt để những lợi ích của Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU mang lại, ông Jean Jacque Bouflet cho biết: “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có quy mô nhỏ và các nguồn lực hạn chế, Dự án Năng lực thương mại Việt Nam được xây dựng sẽ giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về các vấn đề thương mại và đầu tư trọng điểm; thiết lập một hệ thống huấn luyện, đào tạo và hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khả năng của họ để tạo ra đảm bảo khả năng tiếp cận hoạch định chính sách có liên quan. Đồng thời, dự án sẽ hỗ trợ cho việc tạo ra các hạt nhân thương mại thông qua việc nâng cao khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp, kết hợ các nguồn lực tài chính và nhân lực để vượt qua những khó khăn của mỗi doanh nghiệp”.
Tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế và các đại diện cơ quan chính phủ cũng chia sẻ những kinh nghiệm và bài học trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế chung của Việt Nam hiện nay, các chủ trương và chính sách vĩ mô về gia nhập thị trường châu Âu của Việt Nam thông qua các hiệp định đã và đang đàm phán.
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia hiệp định này, tuy nhiên, cũng có không ít thách thức như: cạnh tranh, nguồn nhân lực, nguồn tài chính… Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội mới trong việc mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư.
Quan trọng nhất, theo ông Tuyển, là doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh đúng, có tốc độ phát triển nhanh thì chúng ta rất nhanh chóng biến một doanh nghiệp nhỏ thành một doanh nghiệp lớn. Trong thời đại ngày nay, cần phải xác định rằng quy mô không bằng tốc độ. Thứ 2, phải tập trung khai thác giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là chữ tín hay một bản sắc riêng về dịch vụ, bản sắc riêng về công nghệ? Thứ 3 là phải chọn chiến lược cạnh tranh đúng, phải nhớ rằng chiến lược tăng trưởng bản chất là cạnh tranh, bởi vì chỉ có cạnh tranh được thì mới chiếm được thị phần và như vậy mới có doanh thu và lợi nhuận.