Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho người lao động sau Tết

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hàng chục nghìn vị trí việc làm với mức lương từ 5 triệu - 15 triệu đồng/tháng cùng các chế độ chính sách liên quan như tiền ăn, chi phí đi lại... mở ra nhiều cơ hội cho người lao động ở Quảng Ngãi.

Việc tìm người, người tìm việc

Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều doanh nghiệp tại Quảng Ngãi có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại Thuyên Nguyên Trần Quốc Toản (khu công nghiệp Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ: “Qua 18 năm hoạt động ở Quảng Ngãi, công ty ngày càng phát triển ổn định. Chúng tôi vẫn là một trong các đơn vị may đứng đầu, lương ổn định nhất tại tỉnh. Năm nay, chúng tôi cần tuyển 2.000 lao động vào làm việc".

Để tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn tỉnh tìm kiếm việc làm phù hợp và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, sáng 24/2, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), Tỉnh đoàn tổ chức "Hội việc làm đầu xuân Giáp Thìn 2024".

Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng.
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Thị Ánh Lan, sự kiện này có sự tham gia của 24 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với nhu cầu cần tuyển dụng hơn 14.500 lao động, đa dạng các cấp trình độ tuyển dụng, mức lương dao động từ 5-15 triệu đồng, tuỳ vị trí công việc.

"Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng năm nay của các doanh nghiệp đối với người lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm hơn 49%. Điều này khẳng định chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực", bà Lan nói.

Hội việc làm cũng là dịp để người lao động lựa chọn công việc phù hợp, định hướng nghề nghiệp thông qua các thông báo tuyển dụng lao động và tuyển sinh học nghề qua hình thức tuyển sinh, tuyển dụng trực tiếp tại các gian hàng.

Bên cạnh đó, ngày hội còn cung cấp thông tin về thị trường lao động ngoài nước có thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… nên thu hút rất đông người lao động đến tham gia, tìm hiểu.

Hồ Thị Ý Nhi có nguyện vọng tìm việc tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất .
Hồ Thị Ý Nhi có nguyện vọng tìm việc tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất .

“Tôi tốt nghiệp ngành quản trị- kinh doanh, đã có thời gian làm việc tại Đà Nẵng, nhưng bây giờ thấy Quảng Ngãi đang tuyển dụng nhiều lao động, đa dạng các ngành nghề nên tôi đến hội việc làm tìm hiểu với hy vọng có việc làm ổn định, lâu dài tại quê hương. Tôi đăng ký vào một vị trí làm việc tại văn phòng của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và đang chờ phản hồi từ nhà tuyển dụng”, Hồ Thị Ý Nhi (23 tuổi, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh) chia sẻ.

Được biết thêm, từ nay đến 16/3, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tổ chức 5 hội việc làm tại các huyện Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Tây, Mộ Đức và Ba Tơ.

Ổn định và đảm bảo thị trường lao động

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn, năm 2023, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và đảm bảo.  Tình trạng hơn 4.000 lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm mạnh trong năm 2023. Qua đó, tỷ lệ thất nghiệp chung của tỉnh luôn duy trì ở mức dưới 2%/năm, mức thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 1,53%, đạt mục tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn phát biểu tại "Hội việc làm đầu xuân Giáp Thìn 2024".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn phát biểu tại "Hội việc làm đầu xuân Giáp Thìn 2024".

Tuy nhiên, thị trường lao động - việc làm ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều biến động. Mặc dù lượng lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm tương đối cao, song việc tuyển dụng cũng không hề dễ dàng, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; vẫn tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

 

Năm 2023, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 10 nghìn lao động được tạo việc làm mới, đạt 100,25% so với kế hoạch. Đặc biệt, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, đã đưa 1.028 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững.

Vì vậy, thời gian đến, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cần tập trung phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hóa.

Nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp.

“Cần đầu tư phát triển Trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hiệu qủa các chính sách, chương trình, đề án về giải quyết việc làm; nâng cao hiệu qủa cho vay Quỹ quốc gia về việc làm; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ...”, ông Tuấn nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc.

Theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, từ đó kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động và phương án hỗ trợ trong trường hợp cần thiết…