Nở rộ mô hình ''hát cho nhau nghe''
Theo UBND quận Đống Đa, thời điểm trước đây trên địa bàn quận có khoảng 60 cơ sở karaoke và đến 1/7/2024 chỉ còn 18 cơ sở. Trong đó, có 7 cơ sở đủ điều kiện hoạt động trở lại, được thẩm duyệt về PCCC và các điều kiện về an ninh, trật tự; 11 cơ sở đang tạm dừng.
Tại quận Hà Đông, thực hiện Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, UBND quận đã cấp 3 giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke cho 3 DN trên địa bàn với tổng số 66 phòng.
Xét trên địa bàn toàn TP, theo trung tá Lê Hoàng Huy - Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội), hiện nay trên địa bàn TP có 1.286 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, bar và các loại hình tương tự. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 46 cơ sở karaoke bảo đảm các điều kiện về PCCC.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Văn Chiến, hiện nay, công tác quản lý hoạt động karaoke trên địa bàn quận đã dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh karaoke cũ trước đây lại lách luật, biến tướng thành cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phục vụ khách hát không tính tiền.
Thêm vào đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cà phê ca nhạc, cà phê hát cho nhau nghe lại nở rộ trong khi các chế tài quản lý còn nhiều hạn chế. Trong năm 2023 và 2024, UBND quận Hà Đông đã ban hành 5 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa hoạt động quá giờ quy định và 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke để khách sử dụng trái phép chất ma túy, phạt tiền 68,3 triệu đồng.
Tìm cách né tránh kiểm tra
Theo thượng tá Nguyễn Chí Cường - Trưởng phòng PA03 (Công an TP Hà Nội), thời gian trước, lực lượng chức năng xử lý rất mạnh các cơ sở kinh doanh karaoke về PCCC. Có thời điểm, lực lượng công an đã cắm chốt 24/24 giờ nhưng việc này rất tốn nguồn nhân lực. "Dù vậy, khi chúng tôi rút lượng lực, các cơ sở karaoke lại tiếp tục hoạt động… Thậm chí, dù lực lượng chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương công khai địa chỉ cơ sở không đủ điều kiện PCCC nhưng người dân vẫn vào hát, vui chơi giải trí” -thượng tá Nguyễn Chí Cường nói.
Để né tránh kiểm tra của cơ quan chức năng, theo thượng tá Nguyễn Chí Cường có tình trạng các cơ sở karaoke liên hệ, tạo lập nhóm trên mạng để thông tin, thông báo lực lượng chức năng đang triển khai ở địa bàn nào. Đồng thời, bố trí hệ thống camera giám chặt chẽ, lực lượng bảo vệ, gồm cả lực lượng tại chỗ và xe ôm để làm tai mắt.
“Chúng tôi chỉ cần xuất hiện là họ thông báo ngay và cơ sở karaoke lập tức đóng cửa. Khi trinh sát phát hiện được, việc làm thế nào vào bên trong cũng là một câu chuyện… Các cơ sở kinh doanh karaoke thường đóng kín cửa trước, người vào cần có mật mã. Thế nhưng cửa ngách lại mở, thang đi lên phòng hát tối và bé, nguy cơ mất PCCC rất lớn” - thượng tá Nguyễn Chí Cường chia sẻ.
Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh đưa ra một số giải pháp như, liệt kê danh sách 46 cơ sở karaoke đủ điều kiện PCCC để gửi về quận, huyện; nếu cơ sở nào không trong sách hoạt động là không đúng quy định. Đối với những hoạt động karaoe lách luật, không thu tiền, có thể xử lý theo hướng vi phạm các quy định về an ninh trật tự.
Tại hội nghị tập huấn công tác quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời, tuyên truyền cổ động trực quan, dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn TP Hà Nội do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức ngày 3/7, đại diện một số quận, huyện đề xuất sửa đổi Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ, bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke. Đồng thời đề nghị TP có hướng dẫn cụ thể quy định, quản lý đối với loại hình “hát cho nhau nghe”; cơ sở có tính chất “hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc” (một số người gọi là Karaoke box)...