Những năm qua, hệ thống thủy lợi trên địa bàn TP đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tưới tiêu và chống úng, ngập. Tuy nhiên, qua thời gian, các công trình thủy lợi đang bị xuống cấp nghiêm trọng do các vi phạm về quản lý, bảo vệ và khai thác diễn ra ngày càng phổ biến và khó kiểm soát.
Vi phạm không giảm
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), trên địa bàn TP hiện có 519 trạm bơm, 3.484km kênh mương, 11.325 cống và 18 hồ chứa. Tuy nhiên, hơn 40% công trình thủy lợi đã được xây dựng từ những năm 1970, 75% công trình xây dựng trước năm 1990, nên nhiều trạm bơm, hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp, lạc hậu. Hồ chứa, kênh mương bị bồi lắng, sạt lở; nhiều cống đầu kênh không có cửa, điều tiết nước rất khó khăn… Điều đáng nói, số vụ vi phạm về Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn có chiều hướng tăng, trong khi việc xử lý vẫn là bài toán nan giải.
Mương thủy lợi thuộc hệ thống sông Nhuệ trên địa bàn huyện Thường Tín chưa được kè. Ảnh: Lâm Nguyễn
|
Cụ thể, tổng số vụ vi phạm về hệ thống thủy lợi trên địa bàn TP đến hết tháng 6/2014 là 348 vụ, trong đó, số vụ vi phạm phát sinh trong 6 tháng qua là 93 vụ, tuy nhiên, mới chỉ xử lý được 35 vụ. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, hệ thống sông Nhuệ được xem là "điểm nóng" nhất về tình hình vi phạm, nhất là đoạn chảy qua địa phận huyện Ứng Hòa, bởi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn này để phát sinh tới 62/93 vụ vi phạm về quản lý và khai thác các công trình thủy lợi. Tiếp theo trong danh sách các địa phương phát sinh và tồn tại nhiều vi phạm hệ thống công trình thủy lợi là: Đan Phượng, Thường Tín, Mỹ Đức, Chương Mỹ… Các vi phạm tập trung chủ yếu là xây dựng lều lán, nhà cửa, xẻ trạch làm đường, làm cầu qua kênh, trồng cây, đổ phế thải, vật liệu trên bờ kênh, mương… Những vi phạm này khiến hệ thống sông Nhuệ, Đáy, Tích ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến tiêu, thoát nước. Đơn cử, đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận quận Hà Đông đến hết xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì), tình trạng san lấp mặt bằng, xây dựng công trình lấn chiếm, đổ phế thải… diễn ra tràn lan nhưng chậm được xử lý khiến đoạn sông này hiện chỉ như một… con mương.
Vào cuộc đồng bộ
Xung quanh việc xử lý các vi phạm, ông Đặng Tuấn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích cho biết, các địa phương chưa thực sự quan tâm và quyết liệt trong việc xử lý. 6 tháng đầu năm 2014, Công ty đã phát hiện và lập biên bản 118 trường hợp vi phạm về hệ thống công trình thủy lợi. Tuy nhiên, chính quyền địa phương mới chỉ xử lý được… 7 vụ. Các vụ vi phạm còn lại thì không biết tới khi nào mới được xử lý! Bên cạnh đó, việc quản lý các vi phạm tái diễn vẫn chưa được các địa phương quan tâm.
Ông Nguyễn Quốc Hội - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ thẳng thắn cho rằng, để giảm thiểu những vi phạm, đã đến lúc TP cần xem xét, gắn việc xử lý các vi phạm với trách nhiệm của lãnh đạo địa phương.
Một trong những nguyên nhân khiến vi phạm về hệ thống thủy lợi tiếp tục tăng trong những năm qua là do công tác cắm mốc chỉ giới bảo vệ hành lang các tuyến sông và công trình thủy lợi chưa được quan tâm, gây khó khăn cho công tác quản lý. Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, để thực hiện cắm mốc, tiến tới hoàn thành việc phân cấp quản lý, cần phải tổng rà soát, đánh giá hiện trạng toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn TP. Tuy nhiên, công tác này cần nguồn lực rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của không chỉ 5 doanh nghiệp thủy lợi, chính quyền địa phương mà còn cần tới sự quan tâm, chỉ đạo, cũng như hỗ trợ nguồn kinh phí của TP.