Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều địa phương dừng học trực tiếp vì liên tiếp phát hiện giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều địa phương có số ca mắc Covid-19 cộng đồng tăng cao, trong đó, nhiều ca F0 là giáo viên, học sinh. Điều này khiến các trường phải cho học sinh ngừng học trực tiếp, quay lại phương thức học trực tuyến.

Liên tiếp phát hiện F0 là giáo viên, học sinh
Hiện nay, theo thống kê đã có hơn 23 tỉnh, thành trong cả nước cho phép học sinh đến trường. Song, không ít nơi đã dừng học trực tiếp vì phát hiện ca nhiễm.
Đơn cử như tại Phú Thọ tính đến chiều 30/10, tỉnh ghi nhận 203 học sinh và giáo viên mắc Covid-19 (19 giáo viên và 184 học sinh). Riêng ngày 29/10, thêm 7 giáo viên và 14 học sinh dương tính SARS-CoV-2, gồm 7 trẻ mầm non. Toàn tỉnh có 388 giáo viên và 3.337 học sinh là F1, 10.225 học sinh và giáo viên đang thực hiện cách ly. Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu các trường THPT trên địa bàn TP Việt Trì, huyện Phù Ninh; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh, Trung tâm GDTX tỉnh tiếp tục tạm dừng đến trường và tổ chức dạy học trực tuyến từ ngày 1/11/2021, cho đến khi có thông báo mới. Từ ngày 14/10 đến nay, Phú Thọ ghi nhận 593 ca Covid-19.
Trong khi đó, tại Nghệ An, hơn 100 học sinh, giáo viên ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) phải cách ly tập trung sau khi phát hiện 3 học sinh mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỉnh này vừa ghi nhận 8 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, có 5 ca nhiễm trong cộng đồng, là thành viên trong một gia đình ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Qua điều tra dịch tễ ban đầu cơ quan chức năng đã xác định có 257 trường hợp F1 của 5 F0 nói trên, trong đó hơn 100 F1 là học sinh, giáo viên trường THPT Quỳnh Lưu 3 và trường Tiểu học Quỳnh Bảng. Ngay trong sáng 29/10, Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu đã thông báo cho các trường học ở 5 xã liên quan đến các ca F0 ở xã Quỳnh Bảng dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến.
Ngoài ra, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An cũng vừa trưng dụng trường THCS xã Nghi Trung để làm khu cách ly tập trung sau khi 1 học sinh ở địa phương này mắc Covid-19. 
 Từ ngày 24/10 đến ngày 29/10, trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam ghi nhận 230 ca mắc Covid-19, trong đó phần lớn là học sinh, giáo viên.
Tại Thanh Hóa, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, ngày 30/10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 15 bệnh nhân mắc Covid-19 mới. Tính từ 27/4 đến nay, số ca bệnh dương tính tại tỉnh là 1.035 ca. Hiện tại, địa phương còn 10 ổ dịch: Nga Sơn; Bỉm Sơn; Hà Trung; Thọ Xuân; Triệu Sơn; Thạch Thành; Quảng Xương; Hậu Lộc; TP Thanh Hoá; TP Sầm Sơn. Trước đó, thông tin từ UBND thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa cho biết, thị xã này đã phát hiện có 37 học sinh, giáo viên mắc Covid-19, trong đó có 34 học sinh. Lực lượng chức năng địa phương đã truy vết được 2.455 F1 là học sinh và 304 F1 là giáo viên. Để hạn chế thấp nhất các nguy cơ lây lan trong cộng đồng, nhất là lây lan trong trường học, từ ngày 15/10 đến nay, hơn 15.000 học sinh các cấp ở thị xã Bỉm Sơn đã tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, tại thị xã Bỉm Sơn, ngày 14/10/2021 ghi nhận 2 ca bệnh đầu tiên. Đến nay, tổng số ca bệnh ghi nhận tại thị xã Bỉm Sơn là 180 ca, tại 6 xã phường. Trong đó, tại xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, nơi ghi nhận 2 ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng, trong ngày 18/10 ghi nhận thêm 7 trường hợp F0, nâng số ca F0 ở xã này lên 33 trường hợp, trong đó có tới 19 học sinh. Đây đều là học sinh của trường liên cấp Tiểu học và THCS Quang Trung (xã Quang Trung). Hiện, toàn bộ 844 học sinh mầm non, tiểu học và THCS xã Quang Trung đã được cho nghỉ học để phòng, chống dịch.
Tại tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh thông tin, từ ngày 24/10 đến ngày 29/10, trên địa bàn huyện Nam Trà My ghi nhận 230 ca mắc Covid-19, trong đó phần lớn là học sinh, giáo viên. Cụ thể: Đối tượng F1 (35 người); trường Tiểu học Kim Đồng (6 ca); trường PTDTBT-THCS Trà Tập (1 ca); trường PTDTNT Nam Trà My (168 ca); trường THCS Trà Mai (5 ca); UBND xã Trà Mai (13 ca); trường Mầm non Hoa Mai (1 ca); TTYT huyện Nam Trà My (1 ca). Theo ngành y tế, tình hình dịch Covid-19 tại Nam Trà My đang diễn biến phức tạp, dự báo các trường hợp F1 trong cộng đồng có thể lên tới 5.000 trường hợp. Hiện các trường học trên địa bàn tạm thời nghỉ học kể từ ngày 29/10 cho đến khi có văn bản mới.
Còn tại tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi test nhanh phát hiện trường hợp trong cộng đồng là anh L.N.T. (tổ dân phố 3A, thị trấn Ea Kar), Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành điều tra, tổ chức test nhanh và phát hiện cháu L.N.T. (con trai anh T.), học sinh lớp 2A, trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cũng có kết quả dương tính. Ngay sau đó, ngành chức năng của huyện đã điều tra, truy vết, cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm nhanh và PCR cho 120 trường hợp F1 (bao gồm các trường hợp tiếp xúc gần với anh T., học sinh lớp 2A và giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai), tổ chức test nhanh sàng lọc cho 340 F2.
Cũng trong ngày 29/10, qua test nhanh, huyện Ea Kar ghi nhận 7 trường hợp F0 tại xã Cư Yang. Ban chỉ đạo huyện đã chỉ đạo truy vết 124 F1 (gồm 96 học sinh, 10 giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và 18 trường hợp là người thân trong gia đình). Xã Cư Yang đã tổ chức cách ly tập trung các trường hợp F1 tại trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và tại nhà ở của các đối tượng tại thôn 5 và thôn 7, phun khử trùng các khu vực liên quan.
Hà Nội bảo đảm an toàn cho trẻ ở mức cao nhất
Tại Hà Nội, những ngày này, chủ đề đi học hay ở nhà học trực tuyến đang được nhiều phụ huynh quan tâm và bàn luận sôi nổi. Cứ mỗi khi có địa phương nào đó xuất hiện các ca F0 là học sinh hoặc giáo viên, và buộc phải dừng việc học lại khiến phụ huynh Hà Nội đưa ra như một dẫn chứng về việc chưa nên cho học sinh đến trường, lo các con đi học được ít ngày rồi lại nghỉ, thậm chí phải đi cách ly tập trung vì dịch bệnh. Việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp là một nhu cầu và mong muốn của cả cộng đồng khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Vấn đề là ở chỗ tính an toàn của quyết định cho trẻ đi học.
Hiện nay, Hà Nội đang chứng kiến lượng lớn người về từ vùng dịch, nguy cơ lây lan Covid-19 tăng cao, sau thời gian giãn cách. Trong số đó có không ít người nhiễm Covid-19 nhưng phát hiện muộn, gây ra các ổ dịch trong cộng đồng. Trong khi, trẻ em chưa được tiêm vaccine Covid-19. Mặt khác, Hà Nội là địa phương có số trường, lớp, học sinh khá đông. Trung bình, mỗi lớp có khoảng 50 - 60 học sinh. Nếu học giãn cách, chia ca sáng - chiều, trung bình, mỗi lớp cũng khoảng 25 - 30 học sinh, không đảm bảo khoảng cách an toàn, phòng, chống dịch.
Có thể thấy, thực tế trên không cho phép lơi là các biện pháp an toàn, phòng chống dịch bệnh khi cho học sinh trở lại trường, nhất là với lứa tuổi học sinh tiểu học. Như vậy, có lẽ tốt nhất là không nên áp dụng đại trà, ngay cả với một tỉnh, thành. Tùy từng địa phương, với từng đối tượng học sinh, dù không phải 100%, chỉ trở lại trường học trực tiếp khi đã bảo đảm khả năng an toàn ở mức cao nhất.
Đề cập đến vấn đề này, thạc sĩ Ngô Khánh Hoàng - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, trẻ em đều có quyền đi học và khi Hà Nội mở lại trường học thì việc an toàn trong vấn đề dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Song song với đó, việc trẻ được tiêm phòng Covid-19  thì sẽ an toàn hơn rất nhiều. Nhưng tiêm phòng không phải là tất cả. Nếu Hà Nội được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ vaccine, dự kiến Hà Nội sẽ có tầm hơn 800.000 trẻ từ 12 đến 18 tuổi.
Trong chiến dịch vừa rồi, đã có những ngày Hà Nội thực hiện được tiêm hơn 600.000 mũi tiêm/ngày, với tốc độ đó thì sắp tới Hà Nội triển khai không lâu, cố gắng để tiêm cuốn chiếu, xong lớp 12 đến lớp 11, lớp 10, lớp 9. Với tốc độ đó thì khoảng trong vòng 2 tuần chúng ta sẽ hoàn thành được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi.
“Trẻ em hiện nay chưa đi học và đang tạm thời học trực tuyến, khi đi học trở lại, các trường hợp chưa được tiêm phòng, chúng tôi vẫn khuyến cáo người lớn hướng dẫn các con thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu 5K của Bộ Y tế, vệ sinh cá nhân, tránh các buổi tụ tập đông người, giãn cách trong lớp học… đó là những biện pháp để đảm bảo cần thiết cho công tác phòng chống dịch Covid-19” - bác sĩ Hoàng khuyến cáo.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, khi chưa có kế hoạch rõ về việc tiêm vaccine thì vẫn nên duy trì việc học trực tuyến. Nơi học trực tuyến khó khăn, không thể học trực tuyến, vùng xanh, thì nên đi học tại trường. Với cấp 3, chỉ sau khi tiêm vaccine xong thì mới nên mở cửa trường trở lại, cấp 2 tùy tình hình khi gia đình, số lượng được tiêm 60 - 70% thì mở cửa lại toàn bộ.
“Lý do là để “đảm bảo tính thống nhất cho các cháu trong việc học tập ở từng giai đoạn nhất định… Không thể nào một trường học cứ mở cửa, có vài ca dương tính lại đóng lại thì sẽ không ổn định cho việc học tập của các cháu” - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.
Ngoài ra, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, đối với trẻ ở độ tuổi 16 - 18, đang là học sinh cấp 3 thì cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh, nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ chuyển biến nặng gần như tương đương với người lớn. Do đó, nếu có thể triển khai kế hoạch tiêm thì nên tiêm cho học sinh cấp 3 trước để các cháu sớm được đi học trở lại, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng trong cuộc đời. Còn đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên thì nên thực hiện tiêm cho những trường hợp có yếu tố nguy cơ như bị béo phì, bệnh nền…, những trường hợp khác nên dựa vào nguyện vọng, nhu cầu của gia đình.