Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều dịch vụ “hốt bạc” sau Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những ngày nghỉ Tết đã qua, cuộc sống đã trở về nhịp làm việc bình thường, nhưng giá các dịch vụ trông giữ xe, thuê người giúp việc, nhà trọ sinh viên, thậm chí cả "dâng sao giải hạn"… lại "sốt" xình xịch.

Sốt dịch vụ thuê người giúp việc

Sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình tại Hà Nội đổ xô đến các trung tâm môi giới người giúp việc để đăng ký tìm người giúp việc. Tuy nhiên, do cung không đủ cầu nên dịch vụ này trở lên đắt khách, bất chấp phí môi giới tăng cao.

Nhân viên một trung tâm môi giới việc làm trên đường Láng cho biết: sau Tết, mỗi ngày đơn vị phải tiếp 15 - 20 người đến tìm người giúp việc. Nhưng vào thời điểm này, lượng người giúp việc ít nên không thể đáp ứng được nhu cầu của khách. Do biết nhu cầu bức thiết của "khổ chủ", các trung tâm được thể hét giá lên rất cao. Anh Phạm Hải Bình (ở 78 phố Huế ) ngao ngán: "Trước Tết, phí dịch vụ tìm một người giúp việc tại các trung tâm thường dao động mức 180.000 - 200.000 đồng/người, giờ đã lên đến 300.000 - 500.000đồng/người cho một lần giới thiệu thành công.

Nhiều dịch vụ “hốt bạc” sau Tết - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Không chỉ tiền công môi giới tăng mà giá thuê người giúp việc hiện cũng tăng khá cao. Mức lương trung bình của người giúp việc hiện vào khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, nếu gia đình có con nhỏ hoặc người già phải trả từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng và 2,5 - 3 triệu đồng/tháng đối với gia đình chỉ cần giúp việc nhà. Mức giá này tăng khoảng 300.000 - 500.000 đồng so với năm ngoái. Cùng với đó, giá thuê người giúp việc theo giờ hiện  dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/giờ.

Nhà trọ - trông giữ xe tăng giá

Thời điểm sau Tết, nhiều chủ trọ gần các trường ĐH, CĐ tại TP Hà Nội đã đẩy giá phòng tăng từ 100.000 - 200.000 đồng. Sinh viên Trịnh Văn Thái (ĐH Kinh doanh và Công nghệ) cho biết: Trở lại đi học sau Tết, chủ nhà đã thông báo tăng thêm 200.000 đồng tiền thuê phòng, chưa kể tiền điện, nước. Phòng ở 2 người, mỗi người góp gần 600.000 đồng … trong khi mỗi tháng bố mẹ chỉ cho gần 2 triệu tiền ăn, ở và các khoản chi phí khác. Nhiều sinh viên phản ánh, cứ sau dịp Tết, giá phòng lại lên giá. Như thời điểm này năm ngoái, giá thuê phòng chỉ 1 triệu đồng/tháng, đến hè chủ trọ tăng 1,1 triệu đồng/tháng, bây giờ ăn Tết xong tăng thêm 100.000 đồng.

Các khu nhà trọ giá rẻ tại Xuân Phương, Nhổn… cũng đồng loạt tăng giá. Giá một căn phòng 10m2, nền xi măng, vệ sinh chung cũng đã tăng từ 600.000 đồng lên 700.000 đồng/tháng. Tới một khu trọ được quảng cáo là "giá bình dân" ở Xuân Phương, chỉ là dãy nhà trọ lụp xụp, trần lợp cót, nền nhà bong tróc, nhà vệ sinh mọc rêu xanh, chủ nhà đã hét giá 600.000 đồng/phòng, chưa kể điện, nước.

Cùng với giá nhà, giá điện, nước cũng tăng cao trong thời điểm này. Mức giá nước trung bình các chủ nhà thường thu là 10.000 đồng/m3, thay vì 6.000 đồng/m3 như trước Tết. Giá điện cũng tăng từ 3.000 đồng/số lên 4.000 đồng/số, thậm chí có nơi thu tới 4.500 đồng/số.

Đầu xuân, mùa lễ hội, dịch vụ trông giữ xe cũng được dịp "hái ra tiền". Cho dù cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định, chế tài nhằm chấn chỉnh, xử lý các vi phạm. Thế nhưng, tại thời điểm này, các điểm trông xe tự tăng giá vô tội vạ. Có điểm, tiền trông giữ xe máy lên tới 15.000 đồng/chiếc, xe ô tô 30.000đồng/chiếc, trong khi theo quy định của TP phí trông xe máy chỉ 2.000 đồng/xe.