Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là tới Tết nguyên đán. Thời điểm này, các doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị bước vào mùa cao điểm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Tết. Người dân cũng rục rịch mua sắm, chuẩn bị cho Tết cổ truyền. Đây là cơ hội việc làm cho lao động thời vụ kiếm thêm thu nhập dịp Tết.
Nguyễn Thu Hương, sinh viên năm cuối Đại học Quản trị kinh doanh là một trong hàng trăm người đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tìm kiếm cơ hội việc dịp Tết. Cô cho biết, thời điểm gần Tết có rất nhiều việc làm để lựa chọn, được trả lương cao, có thêm tiền về quê ăn Tết.
“Mới ra trường thì em cũng muốn tìm một công việc, vừa để có thêm kinh nghiệm, sau này đi làm phục vụ cho chuyên ngành chính của mình. Công việc thời vụ cũng phù hợp với thời gian của em, giúp em có thêm thu nhập cải thiện nhu cầu sinh hoạt của bản thân” – Hương chia sẻ.
Người lao động đăng ký tuyển dụng việc làm dịp Tết
|
Do cần người nên yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động không yêu cầu khắt khe như trong năm, đồng thời lại trả lương cao, vì thế người lao động có nhiều lựa chọn hơn. Công việc thời vụ được tuyển dụng nhiều thời điểm này là: nhân viên phục vụ quán ăn, nhà hàng, bán hàng hội chợ, giao hàng, sản xuất bánh kẹo mứt Tết, thu ngân, bảo vệ, giúp việc theo giờ, dọn nhà, đóng gói hàng hóa…
Tùy theo thời gian và khối lượng công việc, mức lương dao động từ 10.000 - 50.000 đồng/giờ. Còn tại các cơ sở sản xuất bánh, kẹo, với những công việc giản đơn như đóng gói, vận chuyển hàng hóa…giá nhân công dao động từ 150.000-200.000 đồng/ngày.
Bà Nguyễn Thanh Bình, cán bộ nhân sự Công ty cổ phần Ngôi sao sáng cho biết, Công ty đang cần tuyển gấp 20 lao động phục vụ tiệc. Tuy nhiên, dịp này nhiều nơi cần tuyển nhân viên thời vụ nên không tuyển được nhiều lao động như mong muốn: “Dịp này, Công ty tôi cũng điều chỉnh tiền lương tăng lên rất nhiều và cộng thêm các khoản hỗ trợ như tăng thêm tiền thưởng, phù hợp với đối tượng lao động chúng tôi cần tuyển. Nhưng đa phần đối tượng mình cần lại khó tuyển, những đối tượng lao động phổ thông họ cũng suy nghĩ và không muốn làm vì làm ca không được chủ động”.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội), hiện nay, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung vào lao động thời vụ, đối với công việc mang tính ổn định, dài hạn giảm hơn so với những tháng trước. Trong phiên giao dịch việc làm gần đây nhất của Trung tâm, có 22 doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành dịch vụ, thương mại, sản xuất có nhu cầu tuyển dụng hơn 400 chỉ tiêu, tuy nhiên, số người đến phỏng vấn xin việc không nhiều.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu nói: “Chỉ tiêu tuyển dụng cuối năm nhìn tổng thể là giảm sút so với các quý trước. Tuy nhiên, việc tuyển dụng các vị trí việc làm bán thời gian lại tăng hơn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong đợt này. Đây cũng là cơ hội để người lao động có công ăn việc làm ngay. Tuy nhiên, có thể người lao động chưa nắm rõ thông tin hoặc có quá nhiều kênh thông tin giới thiệu việc làm nên người lao động tìm đến Trung tâm chưa được đông”.
Bên cạnh những Trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín cũng xuất hiện nhiều địa chỉ giới thiệu việc làm với mục đích lừa đảo. Khi người lao động đến đăng ký tìm việc thường bị yêu cầu đóng phí giới thiệu, tiền đặt cọc giữ chỗ, nhưng sau đó không kết nối được công việc và cũng không được trả lại tiền.
Để tránh “tiền mất, tật mang”, người lao động nên tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, gặp trực tiếp đơn vị tuyển dụng mà không phải mất phí.