Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều dự án hạ tầng nông thôn chậm vì thiếu vốn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, công tác phát triển dân tộc luôn được TP quan tâm. Nhiều công trình dự án hạ tầng xã hội được thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào việc cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi trên địa bàn TP.

Đổi thay nhờ dự án

Là xã hẻo lánh và nghèo nhất của huyện Ba Vì, đời sống của đồng bào DTTS xã Ba Vì hiện còn rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo là 35,7%, thu nhập bình quân đầu người chưa tới 7 triệu đồng/năm. Ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, một vài năm trước, muốn tiếp cận được với người dân địa phương, cán bộ huyện, xã phải đi bộ hàng cây số đường đất vì xe máy không thể lên tới nơi. Đường đến trường của trẻ em trong xã cũng rất trắc trở, nhiều tuyến bị chia cắt.

Song khoảng 2 năm trở lại đây, việc đi lại của người dân địa phương đã được cải thiện rõ rệt. Hiện, xe ô tô 4 chỗ có thể vào hầu khắp các thôn, xóm trong xã. Đó là nhờ dự án Đường liên thôn Hợp Nhất - Hợp Sơn có số vốn 26 tỷ đồng được TP phê duyệt theo Kế hoạch số 166.
 
Dự án trường Mầm non Ba Vì ở thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì thuộc Kế hoạch 166 đã hoàn thành, trong khi tuyến đường phía trước vẫn dang dở do thiếu vốn. 	Ảnh: Lâm Nguyễn
Dự án trường Mầm non Ba Vì ở thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì thuộc Kế hoạch 166 đã hoàn thành, trong khi tuyến đường phía trước vẫn dang dở do thiếu vốn. Ảnh: Lâm Nguyễn

Bên cạnh đó, năm 2012, xã Ba Vì cũng được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng trạm y tế xã. Mới đây nhất, trường THPT Minh Quang đã được hoàn thành, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm học mới 2014 - 2015, sẽ là nơi học tập của con em đồng bào DTTS miền núi 3 xã của huyện Ba Vì gồm: Minh Quang, Khánh Thượng và Ba Vì, giúp các em không phải trọ học xa nhà. Tương tự, tại các xã Yên Trung, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), nhiều năm qua, việc đi lại của người dân cũng dễ dàng, thuận lợi hơn do được đầu tư của TP. Những con đường đất đang dần được thay thế bằng đường bê tông. Nhà văn hóa thôn Hội mới được khánh thành, khang trang, rộng đẹp, là nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp của đông đảo người dân trong thôn…   

Nhờ được sự quan tâm của TP, nhiều dự án hạ tầng, an sinh xã hội được thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, vẫn còn không ít công trình hiện vẫn dở dang, là nỗi trăn trở đối với chính quyền và người dân địa phương. Điển hình tại xã Ba Vì, dự án xây dựng trạm y tế xã được phê duyệt và thực hiện từ năm 2012. Nhưng đến nay, sau khi đã hoàn thành 80% khối lượng công trình thì bị tạm dừng do… thiếu vốn. Một số dự án khác như cầu Ái Nàng (huyện Mỹ Đức), kè phòng hộ chắn lũ rừng ngang, một số tuyến đường ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), An Phú (huyện Mỹ Đức)… hiện cũng đang chậm tiến độ do thiếu vốn.

Cần được quan tâm nhiều hơn

Theo thông tin từ Ban Dân tộc TP Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2014, có 32/44 dự án được TP phê duyệt theo Kế hoạch số 166 đang trong quá trình thực hiện dở dang. Phần lớn các công trình đã thực hiện được từ 30 - 70% khối lượng trở lên. Ngoài ra, nhiều dự án khác cũng chậm triển khai do thiếu vốn. Điều này khiến mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào DTTS miền núi trên địa bàn TP, cũng như hoàn thành Chương trình 02 về xây dựng nông thôn mới của các địa phương trở nên khó khăn hơn. Đơn cử như tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) - nơi có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc Mường, được sự quan tâm của TP, hệ thống trường học và trạm y tế đã cơ bản đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, hệ thống đường giao thông nông thôn, liên thôn - xóm vẫn là bài toán nan giải. Ông Bùi Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết, hiện xã đã đạt 14/18 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhưng, những tiêu chí còn lại như đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa thì không biết đến khi nào mới đạt(!). Thực tế hiện nay, 18 thôn của xã, chưa thôn nào có nhà văn hóa, trong khi, xã vẫn còn đến 60% chiều dài các tuyến là đường đất. "Đầu năm 2014, xã Tiến Xuân được TP phê duyệt dự án xây dựng đường giao thông, tuy nhiên, hiện vẫn chưa được cấp vốn thực hiện..." - ông Sơn bộc bạch.

Quan tâm, chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS luôn được xem là mục tiêu quan trọng của TP. Nhờ sự quan tâm đó, diện mạo các địa phương, nơi có đồng bào DTTS sinh sống đã và đang đổi thay tích cực. Tuy nhiên, để sự chuyển biến đi vào chiều sâu và toàn diện hơn, rất cần sự quan tâm, sâu sát hơn nữa của TP, trước nhất là trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng xã hội.

 
Lũy kế đến tháng 6/2014, TP Hà Nội đã bố trí 336,5 tỷ đồng để thực hiện 44/186 dự án thuộc Kế hoạch số 166, bằng 16,7% Kế hoạch (2.012 tỷ đồng). Theo đó, dự kiến đến hết năm 2014, có thêm khoảng 20 công trình dự án được hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt cho đồng bào DTTS miền núi trên ịa bàn TP.