HTX hoa, cây cảnh xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ có tổng diện tích 8,5ha được triển khai xây dựng từ năm 2010, đang sản xuất 5 loại hoa (Lan, Ly, Loa kèn, Đào mãn thiên hồng và Đồng tiền). Trong đó, hoa Lan có giá trị kinh tế cao được đầu tư sản xuất trong nhà lưới hiện đại.
Nhờ thường xuyên ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nên sản phẩm hoa của HTX Thụy Hương luôn đạt chất lượng, giá bán cao, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho xã viên.
Chỉ riêng năm 2012, doanh thu của HTX hoa, cây cảnh xã Thụy Hương đã đạt trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số hàng ngàn HTX trên địa bàn thành phố, số HTX thành công trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất đạt hiệu quả cao còn chưa nhiều.
Đại đa số xã viên, hộ xã viên trong các HTX và người lao động đều thiếu kiến thức KHCN cả trong sản xuất và quá trình tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Theo số liệu của Liên minh HTX Hà Nội, hiện mới có 30% HTX trên địa bàn thành phố làm ăn được, 40% HTX trung bình, còn 30% yếu kém vì chưa ứng dụng KHCN.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường thuộc Liên minh HTX Việt Nam phân tích: "Một HTX không có công nghệ mới có thể nhập, không có dây chuyền thiết bị hiện đại có thể mua, không có vốn có thể vay, nhưng nếu không có người quản lý giỏi, không có cán bộ KHCN, không có thợ lành nghề thì rất khó duy trì và phát triển".
Theo các chuyên gia, HTX đang lâm vào cảnh khó "kép", khi rơi xuống tầm với quá xa so với trình độ KHCN thế giới. Theo đó, để cải thiện cần phải đổi thay nhận thức, nâng cao trình độ học vấn để tìm ra công nghệ phù hợp với năng lực và khả năng quản lý của từng HTX.
Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An cho rằng, tiếp cận với KHCN là vấn đề không chỉ cấp thiết riêng với bước tiến của HTX, mà còn "nóng" với khoảng 70% dân số cả nước tập trung ở khu vực nông thôn.
Thực tế, nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới hiện nay xuất phát từ sự sống còn của các HTX. Giải quyết được vấn đề cơ bản này, các HTX có thể yên tâm xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong từng lĩnh vực của mình, khai thác hiệu quả hơn lợi thế kinh tế địa phương và nguồn nhân lực lớn ở các vùng miền, nhất là vùng nông thôn và miền núi.