An toàn, văn minh, tiết kiệm
Năm nay, điểm mới trong công tác tổ chức là chương trình khai mạc Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm Giáp Thìn năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 9/4 (tức mùng 1/3 âm lịch).
Cùng với đó sẽ diễn ra các hoạt động như: trưng bày Di sản tư liệu thế giới "Quốc hiệu kinh đô Văn Lang và các kinh đô nước Việt trong mộc bản triều Nguyễn" tại Bảo tàng Hùng Vương; triển lãm Mỹ thuật với chủ đề “Quê hương, đất nước, con người Phú Thọ” tại Bảo tàng Hùng Vương; biểu diễn dân ca và một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh (hát xoan, chầu văn, quan họ, trống quân, chèo); chương trình "Hội Xoan - Miền di sản" ngày 6/3 âm lịch và xác lập kỷ lục 5.000 người tham gia hát Xoan...
Theo kế hoạch, phần Lễ bao gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 14/4/2024 (tức mùng 6/3 năm Giáp Thìn); Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong" ngày 18/4/2024 (tức mùng 10/3 năm Giáp Thìn); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành trong tỉnh từ ngày 9 - 18/4/2024 (tức từ mùng 1 - 10/3 năm Giáp Thìn).
Theo Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng Lê Trường Giang, trong Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2024, phần Lễ sẽ được tổ chức đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, thành kính, mang tính cộng đồng và đảm bảo an toàn, văn minh, tiết kiệm.
Gắn kết các hoạt động du lịch
Cùng với phần Lễ, các hoạt động phần Hội gắn kết chặt chẽ với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch; thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch; quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh du lịch văn hóa Phú Thọ.
Phần Hội có các hoạt động gắn kết với du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch văn hóa Phú Thọ như các hoạt động trưng bày hiện vật, di sản tư liệu, sách báo, tư liệu ảnh tại Thư viện tỉnh Phú Thọ (TP Việt Trì), Bảo tàng Hùng Vương (Khu di tích lịch sử đền Hùng). Chương trình âm nhạc đường phố Việt Trì Live music tại Công viên Văn Lang, TP Việt Trì hứa hẹn khuấy động không khí lễ hội vào tháng 4 tới.
Bên cạnh đó, trong phần Hội sẽ có Hội trại văn hóa và trưng bày sản phẩm đặc trưng; liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ; đánh trống đồng, đâm đuống tại Nhà công quán tại Khu di tích lịch sử đền Hùng. Người dân và du khách đừng quên xem trình diễn hát Xoan làng cổ tại các phường Xoan gốc trên địa bàn TP Việt Trì gồm đình An Thái, đình Thét, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô; lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích lịch sử đền Hùng…
Bên lề phần Lễ, còn có loạt sự kiện hấp dẫn. Tổng cộng phần Hội sẽ bao gồm gần 20 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, như giải bóng chuyền các đội mạnh tranh cúp Hùng Vương tại Nhà luyện tập và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Phú Thọ; Hội thi bơi chải mở rộng tại hồ Công viên Văn Lang, biểu diễn múa rối nước tại Nhà múa rối; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tại Khu di tích lịch sử đền Hùng.
Đặc biệt, Hội chợ thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2024 tại Sân vận động Bảo Đà là không gian mua sắm hấp dẫn trong suốt thời gian diễn ra các lễ hội. Tối 17/4 sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao tại hồ Công viên Văn Lang.