Theo thống kê, Việt Nam hiện có số người nhiễm HIV/AIDS đứng thứ 5 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó tại Hà Nội đến hết tháng 9/2017 có 20.033 người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống và 4.683 bệnh nhân đã tử vong do nhiễm HIV/AIDS. Đây là con số rất cao, trong khi nguồn chi cho phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2008-2016 chủ yếu là các nguồn tài trợ, viện trợ; nhưng theo lộ trình đến hết 2018, các nguồn này sẽ không trực tiếp tài trợ, viện trợ cho chương trình này nữa mà chỉ gián tiếp cho các công tác tuyên truyền.
Chủ tịch Hội phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội Trịnh Thị Lê Trâm cho biết, hiện nay các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS (đường lây truyền HIV, cách phòng tránh lây nhiễm HIV, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, điều trị thuốc kháng ARV, các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV...) dù đang có nhiều cố gắng thực hiện của các cơ quan liên quan song vẫn tồn tại nhiều thách thức do nguồn kinh phí bị cắt giảm trầm trọng.
Do vậy từ tháng 4/2017, Câu lạc bộ Mặt trời của bé đã tiến hành dự án tiếp cận với thông tin và kiến thức liên quan đến HIV và an toàn tình dục cho phụ nữ trẻ, phụ nữ đi làm ăn xa nhà và phụ nữ lao động tình dục kể cả phụ nữ chuyển giới. Kết quả, từ khi hoạt động đến nay Câu lạc bộ đã tư vấn cho hơn 2,788 lượt về HIV và các bệnh liên quan đến HIV; trong đó chuyển gửi được thành công đến các phòng khám ngoại trú 99 bệnh nhân tiếp cận và điều trị ARV miễn phí; 70 bệnh nhân được chuyển gửi khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục; 20 bệnh nhân điều trị viêm gan C; Xét nghiệm HIV cho 986 khách hàng có nguy cơ cao.
Liên quan tới vấn đề phòng chống HIV tại Hà Nội, ngày 5/12 tại Kỳ họp HĐND TP khóa XV, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020”. Theo đó, ngoài các nguồn huy động, ngân sách TP sẽ bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch của T.Ư và TP; đảm bảo 100% số người nhiễm HIV có thẻ BHYT được chi trả theo quy định vào năm 2020.