Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều hoạt động tạo sức hút lan tỏa công tác dạy và học tiếng Việt

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong gần hai năm triển khai, Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt đã đạt được những kết quả khả quan, đặt nền móng cho những mô hình được nhân rộng trong thời gian tới.

Những sứ giả đặc biệt

Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài (UBNVNONN) - cơ quan triển khai Đề án, trong 2 năm qua, chương trình hướng tới không chỉ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà còn với những người nước ngoài yêu mến tiếng Việt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông thông tại cuộc gặp gỡ báo chí về lễ tổng kết Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 và chương trình Gala tiếng Việt thân thương sáng 6/9. 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông thông tại cuộc gặp gỡ báo chí về lễ tổng kết Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 và chương trình Gala tiếng Việt thân thương sáng 6/9. 

Một trong số trọng tâm của chương trình là phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức ở nước ngoài năm 2024, góp phần tuyên truyền rộng rãi về Đề án cũng như thu hút sự hưởng ứng, tham gia của Nhân dân trong và ngoài nước. 

Bên cạnh đó, cuộc thi tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt năm 2024 ghi nhận số lượng thí sinh tham gia tăng so với năm trước, lên đến 158 thí sinh, trong đó một số thí sinh là người nước ngoài yêu mến tiếng Việt. 

"Trong số 5 Sứ giả, có một Sứ giả 8 tuổi từ Nhật Bản và có một Sứ giả là người nước ngoài - một giảng viên đại học người Lào. Ngoài ra, các Sứ giả còn lại từ Australia, Đức và từ một địa bàn rất đặc biệt là Algeria", ông Đông chia sẻ.

Đồng thời ông cho biết thêm, Sứ giả tiếng Việt người nước ngoài là một nữ giảng viên đại học Lào đang tham gia biên soạn, dạy tiếng Việt tại Lào.

Trong khi đó, Sứ giả tiếng Việt từ Algeria đang đảm nhận việc dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt, vừa dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Algeria.

Theo Phó Chủ nhiệm UBVNVNON, việc xây dựng Tủ sách tiếng Việt tiếp tục được quan tâm, với vai trò là nguồn tài nguyên thuận tiện cho việc khuyến khích dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài, đặc biệt tại các địa bàn chưa có chương trình giảng dạy tiếng Việt chính thức.

Cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan đại diện, các Trung tâm Văn hóa Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng chủ động tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy và học tiếng Việt  ở nhiều quốc gia. 

“Thời gian tới, Ủy ban đã tính đến phương án tổ chức lớp [dạy tiếng Việt] theo khu vực ví dụ như châu Âu hay Đông Nam Á – nơi có nhiều người quan tâm công tác giảng dạy. Đây có thể là hướng đi mới”, ông Đông lưu ý.

Chương trình nghệ thuật ý nghĩa

Đáng chú ý trong chuỗi chương trình tôn vinh tiếng Việt có thể kể đến Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt trọng cộng đồng NVNONN năm 2024 và Chương trình Gala Tiếng Việt thân thương ngày 8/9 tới.

Chương trình do Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp với Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4) - Đài truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông VietArt Đây tổ chức. 

Với chủ đề “Lời Quê hương, Lời sắc Son”, sự kiện dự kiến diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 8/9. Chương trình có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu là đại diện của các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư và địa phương, chuyên gia về ngôn ngữ và văn hóa, các đại biểu kiều bào...

Chương trình Dự kiến có sự tham dự và phát biểu của Phó thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đại diện lãnh đạo của các cơ quan bộ, ngành trung ương.

Tại Lễ Tổng kết sẽ chia sẻ phóng sự xoay quanh các hoạt động lan tỏa tôn vinh tiếng Việt trên khắp 5 châu, đồng thời tôn vinh và trao kỷ niệm chương cho các “Sứ giả tiếng Việt” ở nước ngoài năm 2024. Chương trình Gala cũng bao gồm các màn nghệ thuật tổng hợp, gồm các tiết mục kịch hình thể, ca nhạc…, kết hợp với giao lưu tương tác trực tiếp và trực tuyến với khán giả kiều bào.