Nhiều hoạt động văn hóa - lễ hội lớn ở Bạc Liêu

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 9/2022, các hoạt động của Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu, Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 sẽ bắt đầu được tổ chức. Đây là hoạt động trọng điểm, qui mô lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu với kinh phí hơn 15 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.

Đây là các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh (1/1/1997-/1/1/2022) Bạc Liêu, nhằm tăng cường quảng bá về hình ảnh con người Bạc Liêu, thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa và du lịch.

Theo kế hoạch số 106 được UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt, sẽ có 10 hoạt động chính bao gồm: sáng tác ảnh nghệ thuật; triển lãm tranh ảnh nghệ thuật; Hội chợ Công nghiệp – Thương mại - Du lịch và sản phẩm OCOP; tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu giữa Bạc Liêu và các tỉnh thành phố;  Liên hoan Đờn ca tài tử; đánh giá khảo sát tiềm năng sản phẩm du lịch; Liên quan Nhạc Ngũ âm và múa dân gian Khmer; tổ chức không gian văn hóa phi vật thể, đại diện các vùng miền; Hội nghị xúc tiến đầu tư; Ngày hội tôm – muối; khởi công khánh thành một số dự án; hội thảo xây dựng sản phẩm OCOP; khu du lịch Cộng đồng vườn nhãn Bạc Liêu và công nhận chùa Xiêm Cáng là điểm du lịch tiêu biểu của vùng; Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh về lịch sử bản Dạ cổ hoài lang.

Tại buổi họp báo sáng 4/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, 10 sự kiện trên sẽ là cơ hội thể hiện giá trị cốt cách hào sảng của đất và người Bạc Liêu trải qua trăm năm “mở đất”, đấu tranh cách mạng và quá trình cộng cư của 3 dân tộc Kinh-Hoa-Khmer.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết các hoạt động dự chi hơn 15 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết các hoạt động dự chi hơn 15 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.

Đây là cơ hội giới thiệu quảng bá tiềm năng kinh tế của Bạc Liêu với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần giúp Bạc Liêu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo. Tổng chi cho các hoạt động dự kiến hơn 15 tỷ đồng, trong đó có 2/3 là nguồn tài trợ, xã hội hóa, ông Phạm Văn Thiều cho biết thêm.

Bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Thể thao và Du lịch chia sẻ, Bạc Liêu là nơi sản sinh ra bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhạc phẩm khơi nguồn cội rễ cho nền nghệ thuật sân khấu cải lương, đờn ca tài tử Nam bộ - báu vật của vùng đất phương Nam. 

Điện gió ngoài khơi Bạc Liêu là điểm thu hút khách du lịch trong thời gian gần đây.
Điện gió ngoài khơi Bạc Liêu là điểm thu hút khách du lịch trong thời gian gần đây.

Lễ hội sẽ là dịp để người dân thưởng lãm, tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại trên ngay đất Bạc Liêu. Lễ hội cũng là cơ hội giao lưu nghệ thuật đặc sắc giữa các vùng miền trên cả nước. Dịp này, bà Lan Phương cũng đã công bố logo và khẩu hiệu chính thức của du lịch tỉnh: “Bạc Liêu - Hội tụ bản sắc văn hóa Phương Nam”.

Logo Du lịch Bạc Liêu
Logo Du lịch Bạc Liêu

Theo dự kiến, Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 sẽ có 750 đại biểu trong, ngoài tỉnh cùng hàng nghìn người dân tham dự lễ hội. Hoạt động đầu tiên diễn ra trước ngày khai mạc là tổ chức Trại sáng tác ảnh nghệ thuật du lịch Bạc Liêu năm 2022 với chủ đề “Du lịch Bạc Liêu hội nhập và phát triển” sẽ được diễn ra trong tháng 9 tới.