Tài liệu, kỷ vật về Bác
Ngày 5/5, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh do gia đình nhà văn Sơn Tùng trao tặng. Đây là lần thứ ba Trung tâm được tiếp nhận khối tài liệu lớn của cố nhà văn gồm nhiều tài liệu giấy, băng ghi âm, ghi hình kỷ vật.
Tại buổi lễ, đại diện gia đình nhà văn Sơn Tùng đã trao lại cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III nhiều tài liệu của cố nhà văn. Trong đó, tiêu biểu là các bản thảo viết tay, đánh máy tiểu thuyết “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Sen vàng-con đường từ Huế”, “Chiến khu lõm”, “Người vẽ cờ Tổ quốc”, “Từ con đường ấy”, “Cô đơn Người chẳng bao giờ cô độc”, “Con đường và con người”, “Người Sài Gòn trong đêm Hà Nội đánh B52”, "Truyện Trần Phú”, “Nhớ Nguồn”, “Mở khúc hành xuân”, “Những ngày bên Bác”... và các bài viết gồm: “Tấm lòng Bác với tấm khăn người mẹ Thái”, “Bác vẫn còn nhớ Hội An”, “Chân dung một con người”, “Bóng mát Bác Hồ”, “Kim Côn nghệ sĩ nhiếp ảnh Bác Hồ”, “Người thủy thủ huyền thoại”, “Nhớ một cái tết Bác Hồ”, “Hồ Chí Minh sang thế kỷ”, “Những chuyện về Bác Hồ cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên gia đình cố nhà văn gửi bảo quản tại Trung tâm 15 băng ghi âm, ghi hình “Bác Hồ đến Mỹ”, “Người chụp ảnh Bác Hồ”, “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”, “Hẹn gặp lại Sài Gòn”… cùng nhiều hiện vật quý gắn với cuộc đời và sáng tác của nhà văn như radio, máy đánh chữ, đồng hồ đeo tay, hộp đựng bút, các loại kính, bản khắc dấu, các huân chương, huy chương, kỷ niệm chương.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa nhận định: Những tư liệu chân thực, sinh động, đa dạng cùng với những tác phẩm từ chính ngòi bút của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của nhà văn Sơn Tùng đã khắc họa cuộc đời, sự nghiệp của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, những đóng góp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Những tư liệu này cũng là nguồn thông tin tin cậy, quý giá về các chặng đường lịch sử của dân tộc ở những góc nhìn chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa. Nhà văn Sơn Tùng không chỉ là một thương binh nặng có công với nước, mà còn là tấm gương về nhân cách và sự nỗ lực phi thường trong lao động.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ thực hiện chỉnh lý, sắp xếp khoa học và phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu này, đưa tài liệu đến với công chúng và phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước.
Tháng Năm nhớ Bác
Hướng tới kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 4 đến 31/5 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) có nhiều hoạt động văn hóa với chủ đề “Tháng Năm nhớ Bác”. Hoạt động tháng 5 với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 15 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Xê Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) đến từ 12 địa phương trên cả nước.
Điểm nhấn của Chương trình “Tháng Năm nhớ Bác” là các hoạt động thể hiện tình cảm của đồng bào các dân tộc tại Làng với Bác Hồ.
Đồng bào các dân tộc phía Bắc sẽ kể cho nhau những câu chuyện về Bác Hồ khi Người về hoạt động cách mạng tại Cao Bằng và xây dựng căn cứ địa cách mạng tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có hoạt động đọc cho nhau nghe những câu chuyện về Bác, những bài học từ cuộc đời của người một cách gần gũi nhất để đồng bào mình hiểu hơn, yêu hơn về Bác. Riêng với làng dân tộc Tà Ôi, tình cảm của những người Tà Ôi được mang họ Hồ phản ánh qua các câu chuyện về Bác với chương trình “Thiếu nhi về với làng đồng bào mang họ Bác”.
Lan tỏa từ những câu chuyện kể về Bác, đồng bào các dân tộc học tập theo tấm gương, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Tháng Năm sinh nhật Bác cũng là thể hiện tình cảm của đồng bào các dân tộc với Bác kính yêu không chỉ bằng việc biết đến câu chuyện kể về Bác, những lời ca tiếng hát về Bác mà từ các hoạt động gắn với đời sống của đồng bào, để thấy ý nghĩa và tin yêu Đảng, Bác Hồ hơn. Đồng bào các dân tộc tại các Làng sẽ có các hoạt động tương tác cùng du khách, giới thiệu các món ăn, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống.
Tại Nghệ An, Lễ hội Làng Sen năm 2023 diễn ra từ ngày 12 - 19/5. Trong đó, phần lễ gồm các hoạt động: Chương trình khai mạc Lễ hội Làng Sen kết hợp với chương trình nghệ thuật “Người mẹ Làng Sen” nhân kỷ niệm 155 năm năm sinh bà Hoàng Thị Loan, 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tối 12/5 tại Quảng trường Hồ Chí Minh; Lễ diễu hành từ Quảng trường Hồ Chí Minh về quê Bác vào ngày 12/5; Chương trình bế mạc Lễ hội Làng Sen vào tối 19/5 tại Quảng trường Hồ Chí Minh.
Phần hội gồm các hoạt động chính: Lễ hội đường phố chủ đề “Quê hương mùa sen nở” khai mạc vào tối 15/5 tại đường Hồ Tùng Mậu và Quảng trường Hồ Chí Minh; Liên hoan Tiếng hát Làng Sen của tỉnh tổ chức tại Nhà hát Dân ca trong các ngày 14 và 15/5 với sự sự tham gia của đoàn nghệ thuật quần chúng 21 huyện, thành, thị; Trưng bày các chuyên đề: “Hồ Chí Minh - chân dung một con người” tại Quảng trường Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó còn có các hoạt động như: Trình diễn dân ca ví, giặm và giao lưu biểu diễn nghệ thuật; Giải bóng chuyền và giải võ cổ truyền tại Lễ hội làng Sen; tổ chức đoàn Famtrip, Presstrip “Về Làng Sen”; Cuộc thi ẩm thực các món ăn chế biến từ Sen; Cuộc thi “Bác Hồ trong trái tim thanh thiếu nhi Nghệ An”; Festival Khinh khí cầu - Fly Up Vietnam - Cửa Lò 2023.