Số liệu này đã được công bố tại Hội thảo về công tác quản lý, vận hành và sử dụng nhà chung cư diễn ra tại Hà Nội sáng 7/3.
Chủ đầu tư chưa đủ năng lực?
Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, trong đó tập trung chủ yếu tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhà nước đã xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn xảy, tranh chấp, khiếu nại như: Tranh chấp về phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng; kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; kinh phí quản lý, vận hành; chất lượng công trình; tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu...
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong việc quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư. Điển hình là việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành, tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư, vấn đề về xác định diện tích sở hữu chung – riêng.
Cùng quan điểm Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, các tranh chấp còn xảy ra liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong giai đoạn quản lý, vận hành nhà chung cư, như: Chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định; Ban quản trị không đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định, có dấu hiệu không minh bạch, vụ lợi trong việc thu chi tài chính; Đơn vị quản lý vận hành không có chức năng, không đủ điều kiện để quản lý, vận hành chung cư theo quy định, không thực hiện đúng các cam kết theo Hợp đồng dịch vụ đã ký, không công khai tài chính theo quy định…
“Một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, một số chủ đầu tư chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư” – ông Hà Quang Hưng nói.
Chế tài xử phạt chưa phù hợp
Theo đánh giá, việc xây dựng nhà chung cư ở nước ta đã phát triển tương đối mạnh mẽ và nhanh chóng, nhiều khu đô thị mới đã và đang được đầu tư xây dựng. Phát triển nhà chung cư không chỉ để tiết kiệm quỹ đất ngày càng bị thu hẹp do tốc độ tăng dân số ngày càng nhanh mà còn góp phần tạo ra kiến trúc, cảnh quan đô thị khang trang, môi trường xanh, sạch đẹp góp phần tạo nên cuộc sống văn minh, hiện đại.
Ông Hà Quang Hưng cho biết thêm, việc xảy ra các khiếu kiện, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân chính là do một số quy định trong các văn bản pháp luật chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng; Cùng đó, quy định các chế tài xử phạt hành vi vi phạm chưa phù hợp, đầy đủ và thiếu sức nặng so với yêu cầu quản lý và tình hình thực tế.
“Vai trò của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt; vai trò của chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư và ý thức, trách nhiệm của các chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ ở một số nhà chung cư chưa đáp ứng mô hình quản lý, sử dụng nhà chung cư. Ngoài ra, người dân khi mua nhà ở đã không xem xét hết các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký, nên sau khi đi vào sử dụng xảy ra canh chấp” – ông Hưng chia sẻ.
Để khắc phục kịp thời các hạn chế, bất cập, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/2018/CT-TTg. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý chung cư được kỳ vọng sẽ phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cũng như doanh nghiệp đầu tư, quản lý dự án.