Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều khu đô thị thiếu quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải riêng biệt

Nhóm Phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ngày 9/12, tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa XVI, chất vấn về công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn TP, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề, vì sao nhiều khu đô thị không có quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải riêng biệt?

Làm rõ quy hoạch xử lý nước thải cục bộ tại các khu đô thị

Về vấn đề tồn đọng tại các dự án xử lý nước thải, ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ ĐB quận Hoàng Mai) đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, Luật Bảo vệ môi trường, thông tư hướng dẫn có quy định các khu đô thị, khu dân cư tập trung phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường bao gồm hệ thống cấp thoát nước, xử lý thu gom nước thải đồng bộ.

ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ ĐB quận Hoàng Mai) đặt câu hỏi chất vấn. 
ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ ĐB quận Hoàng Mai) đặt câu hỏi chất vấn. 

Tuy nhiên, trong quy hoạch chi tiết tại nhiều KĐT không có quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải riêng biệt. Ví dụ tại các dự án Mỹ đình I, Trung Hòa Nhân Chính, Làng Quốc tế Thăng Long, Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân – Tứ Hiệp, Văn Quán, Yên Phúc, Xa La... Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc làm rõ nguyên nhân vấn đề nêu trên, quan điểm của Sở tham mưu UBND TP về việc xử lý nội dung này.

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho biết, về vấn đề trạm xử lý rác thải, theo kế hoạch từ 2014 quy định các khu đô thị đều phải có khu xử lý rác cục bộ trước khi đưa ra mạng lưới. Vì quy hoạch chúng ta quá rộng lớn, có khu vực có nhưng cũng có nơi không nên quy chủ đầu tư cần quy hoạch chi tiết để xử lý cục bộ cho khu vực đấy. Về cơ bản, chủ đầu tư cần bố trí trạm xử lý xác thải tập trung rồi mới đến giai đoạn xử lý cục bộ.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh trả lời chất vấn.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh trả lời chất vấn.

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, đơn cử, tại khu đô thị Tứ Hiệp - Pháp Vân hiện nay, công tác xử lý trạm rác thải thiếu cục bộ, còn khu đô thị Yên Xá, Yên Sở có khá hơn. Tới đây, Sở Kế hoạch Kiến trúc sẽ tiến hành đẩy mạnh trạm xử lý rác thải giai đoạn xử lý cục bộ. tuy nhiên công tác này lại phụ thuộc vào công tác tài chính vì vậy rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành.

Chỉ đạo thêm về việc quy hoạch xử lý trạm xử lý rác thải, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các trạm tuân thủ theo quy hoạch, tắc đâu tìm phương án tháo gỡ ở đó, đồng thời lãnh đạo các cấp Uỷ ban cũng phải có phương án cụ thể.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, hiện nay, có một số các khu đô thị khi đầu tư thì thiếu nội dung này và đưa về khu xử lý nước thải tập trung của TP. Ví dụ, như một số khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân được đưa về nhà máy xử lý nước thải Phú Đô nhưng nhà máy chưa được triển khai thực hiện. Như vậy, vấn đề thiếu nhà máy xử lý nước thải không chỉ diễn ra ở các khu đô thị mà ngay cả các khu vực theo lưu vực nước thải tại quy hoạch 725 cũng đang bị thiếu. Với các giải pháp, thực hiện là rà soát lại dự án trên địa bàn TP, dự án nào có trạm xử lý, nhà máy phải tập trung đôn đốc Chủ đầu tư thực hiện.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn. 
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn. 

Rà soát để xử lý

Phát biểu tranh luận về nội dung này, ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ ĐB quận Hoàng Mai) cho rằng, về mặt quy hoạch, đối với những khu đô thị mà chưa có những trạm mà xử lý nước thải cục bộ thì Sở QHKT phải làm rõ. Nếu như chưa có, sẽ là cơ sở để bổ sung đối với các trạm xử lý nước thải cục bộ. Bởi vì là theo luật hiện hành thì các khu đô thị trước khi xả ra môi trường đều phải xử lý cục bộ.

Trả lời thêm về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết: Thời gian qua, nhiều sở tham gia lĩnh vực xử lý nước thải, như Sở QH-KT, TN&MT… UBND TP đã chỉ đạo phải tổng rà soát các nội dung về hạ tầng kỹ thuật cho thoát nước, xử lý nước thải của các khu vực phát triển đô thị và khu nhà ở, khu dân cư. Qua đó, sẽ xác định được danh mục của các khu đô thị mới, khu nhà ở, khu dân cư này, phân loại các khu vực đã phát triển trước khi có kế hoạch triển khai, xử lý môi trường cụ thể hoá. Thứ hai, xác định phân loại cho những đối tượng sau Luật Bảo vệ Môi trường, và thứ ba phải tổng hợp các quy hoạch chi tiết…

“Như vậy, chúng ta phải xác định được danh mục, trên cơ sở đó, cần phải triển khai trong thời gian tới. Thứ hai, phải thiết lập một cái kế hoạch quản lý để triển khai, xử lý kèm theo nghiên cứu cơ chế để tổ chức quản lý việc này; trên cơ sở đó, chúng ta mới có chính sách để tác động vào” - Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn trả lời làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. 
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn trả lời làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, từ thời điểm này và trong khoảng thời gian 2 năm gần đây, sẽ rà soát để tất cả các quy hoạch chi tiết của các khu đô thị mới, khu nhà ở thiết lập và xử lý cục bộ về nước thải cho vấn đề hạ tầng kỹ thuật thoát nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cũng cho biết, từ thời điểm quy hoạch chung quy hoạch Thủ đô đến nay đã 11 năm, tính từ quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật thoát nước 725 cũng 9 năm nay. Qua 2 nhiệm kỳ, cũng là 2 thời kỳ thi công, đánh giá tổng quan đến nay triển khai quy hoạch cấp thoát nước Thủ đô còn nhiều hạn chế. Theo quy hoạch này, quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phạm vi quy hoạch thoát nước thải của chúng ta là khu đô thị trung tâm TP Hà Nội, các độ thị vệ tinh tương đương cấp đô thị loại 3. Và hệ thống nước thải khu vực đô thị TP để thu gom xử lý theo 39 khu vực gồm 41 nhà máy với công suất đến năm 2030 phải đạt được là 1.880.300m3/ngày đêm và đến năm 2050 phai đạt 2.482.500m3/ngày đêm.
Hiện trạng hiện nay còn hạn chế. Trên địa bàn TP hiện có 6 nhà máy, 6 trạm xử lý nước thải được đầu tư và đưa vào sử dụng, tập trung ở vùng đô thị trung tâm phía Bắc và phía Nam sông Hồng. Công suất tính toán đạt 276.300m3/ngày đêm, chiếm 28,8%. Gần đây đã tăng thêm 9.000m3/ngày đêm, đạt 29,1%.

Bên cạnh đó, có một nhà máy cực kỳ quan trọng sử dụng vốn ODA là nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Dự án này cũng chậm tiến độ, đáng lẽ ra phải xong năm 2022, nhưng theo các gói thầu số 1, 2, 3, 4, chủ yếu mắc ở gói số 2, số 3 làm chậm tiến độ so với mạng lưới thu gom. Còn nhà máy trung tâm xử lý nước thải cơ bản đáp ứng. Nhưng nhà máy xong nhưng mạng lưới xử lý nước thải chưa hoàn thành thì chưa có nguồn để xử lý.

Triển khai Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần XVII, đặc biệt là Chương trình 03, Chương trình 05 khóa 17, đã đưa ra một chỉ tiêu xử lý nước thải đô thị đến năm 2025 phải đạt được 50%. Đánh giá việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, đây là một nội dung hạ tầng kỹ thuật cực kỳ quan trọng đảm bảo môi trường, sức khỏe cho Nhân dân. Đặc biệt quá trình đô thị hóa để lại khoảng tối khó khăn trong xử lý bảo vệ môi trường. Trước đây không chú trọng dự án đầu tư công, có cố gắng đầu tư xã hội hóa.

Nhiệm kỳ này, ngay từ đầu năm, HĐND TP tập trung phát triển dự án xử lý nước thải, dự kiến nguồn 20.000 tỷ cho vấn đề này.