Hàng loạt ngân hàng được nâng hạng tín nhiệm
Có thể hiểu, xếp hạng tín nhiệm (XHTN) ngân hàng được xem là thước đo hiệu quả hoạt động, đo lường mức độ rủi ro và triển vọng phát triển của ngân hàng đó. Xếp hạng tín nhiệm cũng khá quan trọng trong bối cảnh nguồn vốn ODA giảm dần, Việt Nam phải tiếp cận các nguồn vốn quốc tế khác.
Trong năm 2010 và 2011, hàng loạt ngân hàng lớn của Việt Nam bị tổ chức XHTN Fitch, và S&P hạ bậc tín nhiệm, và đã có khá nhiều cuộc tranh luận, phản ứng giữa các ngân hàng này với các TCXH về cách xếp hạng. Trong số các ngân hàng trên, một trong những nguyên nhân bị hạ XHTN được Fitch nói rõ là do tăng trưởng tín dụng quá mạnh trong khi chất lượng tín dụng thấp.
Vietcombank là một trong số những ngân hàng được "thăng hạng". Ảnh minh họa
|
Đã có ý kiến cho rằng, cách xếp hạng này đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam là do cách nhìn không lạc quan của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế vào các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tín hiệu đáng mừng mới đây cho thấy, các tổ chức xếp hạng quốc tế đã có những đánh giá tích cực hơn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo đó, trong tháng 9 vừa qua, một loạt ngân hàng thương mại được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s điều chỉnh xếp hạng theo chiều hướng tích cực hơn.
Cụ thể, xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Ngân hàng VIB được nâng từ B3 lên B2, với triển vọng ổn định. Moody’s đánh giá sức mạnh tài chính (BFSR) của VIB đã nhích lên nhờ chiến lược củng cố hoạt động và giảm đòn bẩy trong hai năm qua, điển hình là giảm cho vay và tăng dự phòng nợ xấu. Hoạt động quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp của VIB cũng được hỗ trợ tích cực bởi cổ đông lớn - Commonwealth Bank of Australia....
Vốn cấp 1 (bao gồm vốn điều lệ và các quỹ dự trữ) của VIB tính đến tháng 6/2014 là 16,3% - cao nhất trong các ngân hàng được xếp hạng, cho thấy khả năng chịu lỗ tốt hơn. VIB cũng có thanh khoản tốt, với tiền mặt và trái phiếu Chính phủ chiếm 25% tài sản.
Trong khi đó, 5 ngân hàng khác đều được tăng triển vọng từ ổn định lên tích cực là Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Sacombank, Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng Thương ACB và Ngân hàng VP Bank. Xếp hạng dài hạn của cả 5 ngân hàng này hiện là B3.
Theo Moody’s, 5 ngân hàng này đã có cải thiện về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và tín dụng. Những biện pháp này đã giúp họ tăng khả năng có lời từ môi trường kinh doanh đang lên tại Việt Nam.
Hãng cho biết có thể tăng xếp hạng của các ngân hàng này nếu kết quả kinh doanh cải thiện hoặc tỷ lệ vốn cấp 1 tăng lên. Mặt khác, triển vọng của họ sẽ bị hạ nếu không cho thấy cải thiện trong cấu trúc rủi ro và quản trị doanh nghiệp, tiếp tục tăng trưởng quá thấp so với trung bình thị trường, không tăng vốn mới hoặc chậm giải quyết các tài sản ít sinh lời.
3 ngân hàng khác là Vietinbank, BIDV, SHB được Moody’s giữ nguyên triển vọng ổn định. Trong đó, xếp hạng dài hạn của SHB là B3. Còn VietinBank và BIDV lần lượt là B1, B2 cho xếp hạng tiền gửi dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ.
Moody’s cho biết điểm sức mạnh tài chính của VietinBank hiện cao nhất trong các ngân hàng Việt Nam được xếp hạng. Vì vậy, ngân hàng này cần chứng minh được sự cải thiện trong công tác quản trị, chất lượng tài sản và thanh khoản để được nâng xếp hạng.
Cũng theo Mood’s, BIDV hiện có xếp hạng tiền gửi thuộc top cao nhất Việt Nam do quy mô, sở hữu Chính phủ và vai trò quan trọng trong hệ thống ngân hàng.Tuy nhiên, Moody’s cho rằng BIDV vẫn có tỷ lệ vốn cấp 1 thuộc nhóm thấp nhất các nhà băng được đánh giá và cần cải thiện nếu muốn nâng tín nhiệm.
Ngân hàng SHB được Moody’s dựa trên các bất ổn còn tồn tại sau sáp nhập với Habubank. Xét tình hình tài sản sinh lời ít và sự phức tạp sau hợp nhất, Moody’s cho biết sẽ nâng xếp hạng của SHB nếu ngân hàng này cho thấy có thể tăng trưởng bền vững trong thời gian dài hơn.
Giải thích những đánh giá tích cực trên, trong báo cáo của Moody’s nêu, đó là xuất phát từ nhận xét môi trường tại Việt Nam đã ổn định. Họ cũng dự đoán các ngân hàng sẽ có cải thiện trong tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành, do hoạt động quản trị doanh nghiệp có tiến bộ và nhà băng cũng ít chấp nhận rủi ro.
Moody’s cho biết dù tăng trưởng kinh tế chưa mạnh, Việt Nam cũng đã bình ổn lạm phát xuống dưới 7,5%. Việc này đã cho phép NHNN giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, điển hình là lãi suất tái cấp vốn chỉ còn 6,5% đầu năm nay, so với 9% cuối năm 2012. Lãi suất thấp có lợi cho các nhà băng do làm giảm gánh nặng với người vay.
Ổn định kinh tế vĩ mô cũng góp phần cải thiện thanh khoản cho các ngân hàng. Khi tăng trưởng tiền gửi vượt cho vay, hệ số vay nợ trên tiền gửi cũng đã giảm xuống 82% tháng 6 năm nay, từ 87% cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, Moody’s cũng lưu ý, các ngân hàng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề cần nhiều thời gian giải quyết, như nợ xấu, tiềm năng lợi nhuận thấp và khả năng chịu lỗ yếu do dự phòng rủi ro tín dụng thấp
Tích cực nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia
Việt Nam hiện đang được đánh giá xếp hạng bởi 3 tổ chức XHTN nổi tiếng trên thế giới là Moody’s, Standard&Poor’s và Fitch Ratings.
Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu nâng cao định mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, trong đó phấn đấu đến năm 2020 nâng mức XHTN quốc gia lên mức đầu tư, đạt mức XHTN từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- trở lên (đối với S&P và Fitch). Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ đã đặt ra các giải pháp như, tiếp tục duy trì ổn định chính trị-xã hội và thể chế; ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế…
Hồi tháng 7 vừa qua, Moody’s đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu Chính phủ Việt Nam lên 1 bậc, từ mức B2 lên mức B1, mức triển vọng được đánh giá là “ổn định”. Mức trần tín nhiệm đối với trái phiếu dài hạn bằng đồng ngoại tệ của Việt Nam cũng được nâng từ mức B1 lên mức Ba2; mức trần tín nhiệm đối với tiền gửi ngoại tệ dài hạn được nâng từ mức B3 lên mức B2.
Theo Moody’s, yếu tố quan trọng để nâng XHTN của Việt Nam gồm có kinh tế vĩ mô ổn định, sự cải thiện về cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại và môi trường hoạt động của khu vực ngân hàng ổn định hơn.
Moody’s cho biết, sẽ xem xét tiếp tục nâng bậc xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam trong trường hợp Việt Nam có sự cải thiện mạnh mẽ, về tình trạng tài chính của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước...
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, XHTN các tổ chức tín dụng có ảnh hưởng khá lớn tới xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Một trong những hoạt động góp phần nâng XHTN của ngành ngân hàng, đó là thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Theo báo cáo của NHNN, Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được đánh giá là đúng hướng, đúng lộ trình, đạt được những kết quả bước đầu như thiết lập lại trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng và ngoại hối; chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, môi trường hoạt động của khu vực ngân hàng bình ổn đã đóng góp tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nguy cơ rủi ro đối với ngân sách của Chính phủ. Trong đó, việc giảm lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và tiền tệ đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, việc “thăng hạng” của các ngân hàng sẽ góp phần cho việc đánh giá tín nhiệm quốc gia tích cực hơn; tăng cơ hội đầu tư; thu hút nhiều vốn hơn từ quốc tế…