KTĐT - Do hậu quả của khủng hoảng kinh tế, công nhân và viên chức bị đuổi việc ồ ạt trong năm 2009. Rất nhiều những người mới thất nghiệp này bị tống ra khỏi những căn nhà của công ty, và cũng không đủ tiền đi thuê nhà. Họ trở thành vô gia cư.
Nhiều người Nhật thất nghiệp đang trải qua những ngày dài khốn khó trong những cái hộp nhựa chỉ nhỉnh nơi yên nghỉ của người quá cố, chứa đầy bế tắc về tương lai.
Tờ New York Times đã làm một phóng sự đầy cảm xúc về cuộc sống của họ, nằm khuất phía sau vẻ lộng lẫy sáng lòa của các đô thị công nghiệp.
Atsushi Nakanishi mất việc từ Giáng sinh. Với những người Nhật như anh, nhà chỉ là một nơi nhỉnh hơn quan tài một chút, trong một tổ hợp gồm các ngăn kéo có công dụng như giường nằm, chụm lại với nhau trong các "khách sạn con nhộng" đổ nát ở Nhật.
"Một nơi chỉ để bò vào và ngủ", Nakanishi nói trong khi xoay xoay cổ và vuốt bộ comple đen, một trong hai bộ anh còn giữ lại sau khi bỏ tủ quần áo vì tủ chiếm diện tích. "Rồi bạn cũng sẽ quen với nó", anh nói.
Vào thời điểm khách sạn Shinjuku 510 được mở cách đây hai mươi năm, những ngăn kéo bằng nhựa nhỏ bé này là nơi trú chân cho những công chức lỡ chuyến tàu cuối cùng về nhà. Mỗi khoang kéo của Shinjuku 510 với chiều dài chưa đến 2 mét, chiều rộng 1,5 mét, không đủ cao để đứng lên.
Và bây giờ thì những khoang kéo này lại trở thành sự lựa chọn hợp túi tiền cho những con người không còn nơi đâu để đi khi nước Nhật trải qua cuộc suy thoái tệ hại nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai.
Do hậu quả của khủng hoảng kinh tế, công nhân và viên chức bị đuổi việc ồ ạt trong năm 2009. Rất nhiều những người mới thất nghiệp này bị tống ra khỏi những căn nhà của công ty, và cũng không đủ tiền đi thuê nhà. Họ trở thành vô gia cư.
Tình trạng này khiến chính phủ Nhật phải mở hàng loạt nơi trú ẩn khẩn cấp trong dịp lễ năm mới, nhằm giúp người thất nghiệp và vô gia cư.
"Trong mùa lễ hội lạnh lẽo hơn này, chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp những ai đang trải qua khó khăn", Thủ tướng Yukio Hatoyama phát biểu trong một đoạn video đăng trên Youtube hôm 26/12. "Các bạn không đơn độc", Thủ tướng nói.
Anh Nakanishi, năm nay 40 tuổi, vẫn tự cho mình còn may mắn. Anh từng làm công việc vặt ở một dây chuyền lắp ráp của Isuzu, làm tại một sòng bạc và làm bảo vệ. Anh chuyển đến một "khách sạn con nhộng" ở khu Shinjuku, Tokyo vào tháng 4 để tiết kiệm tiền thuê nhà trong khi anh làm ca đêm ở một công ty giao hàng.
Anh Nakanishi đã từng học kinh tế ở một đại học trong vùng, nhưng mơ ước trở thành một luật sư, được làm việc với các văn bản pháp luật hàng ngày. Anh đang học để thi vào trường luật. Từ khi thất nghiệp, anh thậm chí không biết mình còn có thể chi trả cho cái khoang kéo để ngủ được bao lâu.
Giá thuê cho một không gian nhỏ như vậy lại đắt một cách bất ngờ: 59.000 yen (khoảng 640 USD) mỗi tháng cho một ngăn tầng trên. Nhưng vì không phải đặt cọc trước, không có các khoản phí phụ, lại có các tiện nghi cơ bản như khăn sạch, tắm công cộng, tắm hơi không mất tiền nên giá cả như vậy vẫn rẻ hơn rất nhiều so với việc thuê một căn hộ ở Tokyo, Nakanishi cho biết.
Mặc dù vậy, nơi đây không thể cho khách một giấc ngủ sâu. Những ngăn kéo không có cửa, chỉ có những bức bình phong được kéo xuống. Mọi tiếng va chạm vào tường nhựa, mọi tiếng hắt xì hơi đều được âm vang dội qua các khoang.
Mỗi khoang kéo chỉ được trang bị một đèn, một TV nhỏ với tai nghe, mắc treo áo, chăn mỏng và một chiếc gối cứng độn vỏ trấu.
Hầu hết vật dụng, từ áo cho đến kem cạo râu phải cất trong các ngăn tủ cá nhân ở một khu vực khác. Có một phòng chung chứa những chiếc ngăn kéo đựng đồ cũ kỹ, phòng ăn và một dãy các chậu rửa. Khói thuốc tràn ngập. Camera an ninh gắn ở khắp nơi. Nhưng các nhân viên khách sạn vẫn cố gắng để khiến các vị khách thoải mái. "Chào mừng anh đã về nhà", họ nói với những người thuê ngăn kéo ngủ.
"Những khách hàng chính của chúng tôi từng là các viên chức say rượu và lỡ chuyến tàu cuối", Tetsuya Akasako, quản lý trưởng của khách sạn nói.
Nhưng từ hai năm trước, khách sạn bắt đầu chú ý rằng những vị khách ở hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Năm nay, khách sạn đã giới thiệu gói giảm giá cho những khách thuê một tháng hoặc lâu hơn. Hiện nay khoảng 100 trong số 300 khoang kéo của khách sạn được thuê bằng tháng.
Sau một số đề nghị từ những khách thuê lâu năm, khách sạn đã nhận được sự cho phép đặc biệt của chính phủ để những người này đăng ký thường trú ở những khoang kéo. Có một chỗ ở cố định sẽ khiến những người thất nghiệp đỡ khó khăn khi đi xin việc.
Hai giờ sáng vào một buổi tối tháng 12, hai cô gái ngồi xem TV trong phòng tắm hơi. Một cô cho biết cô đến Tokyo để tìm việc. Cô dự định làm tiếp viên ở một quán rượu, nơi phụ nữ được trả tiền để nói chuyện với đàn ông.
Cô gái mới 20 tuổi nói cô hy vọng tìm được một công việc ở câu lạc bộ để có thể kiếm một căn hộ. Cô từ chối nêu tên vì không muốn gia đình biết cô đang làm gì. "Sống như thế này khổ thật, nhưng sẽ không quá lâu. Ít nhất ở đây cũng có nhiều việc hơn quê tôi", cô gái nói.
Chính phủ thống kê có khoảng 15.800 người sống trên những đường phố của Nhật nhưng các nhóm nhân đạo thì cho rằng con số này cao hơn thế, với ít nhất là 10.000 ở riêng Tokyo. Những con số này không tính đến những người vô gia cư ẩn, như những người sống trong những "khách sạn con nhộng" như thế này. Và cũng có cả một phần dân số trôi nổi, ngủ qua đêm trong những quán cafe Internet và phòng tắm hơi.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật hiện là 5,2 %, ở mức kỷ lục. Sô người sống bằng trợ cấp cũng tăng nhanh chóng. Tỷ lệ nghèo ở Nhật là 15,7%, một trong những con số cao nhất trong các quốc gia công nghiệp.
Những con số thống kê phá vỡ bức tranh về một xã hội Nhật không giai cấp vốn được dựng lên từ sự vươn lên của nước này trở thành một cường quốc công nghiệp vào những năm 1970.
"Khi đất nước có sự phát triển kinh tế chóng mặt, mức sống được cải thiện và những khác biệt về giai cấp trở nên mờ đi", giáo sư Hiroshi Ishida của đại học Tokyo phân tích. "Nhưng khi nền kinh tế trở nên trì trệ, giai cấp lại rõ nét trở lại".
Chính phủ mới của Nhật vừa đổ thêm tiền vào hệ thống trợ cấp xã hội, hứa hẹn sẽ trả tiền cho những hộ gia đình có con nhỏ và bỏ học phí ở trường phổ thông công lập.
Tuy vậy, Naoto Iwaya, 46 tuổi, đã gần như mất hy vọng. Từng là một thợ đánh cá ngừ, anh đã sống ở một khách sạn ngăn kéo ở Tokyo từ tháng 8. Gần đây nhất anh làm việc ở một bãi rác của sân bay Haneda nhưng công việc đã mất vào tháng trước.
"Tôi đã tìm, tìm và tìm, nhưng không có việc. Bây giờ thì tiền tiết kiệm của tôi gần như hết", Iwaya nói sau khi đăng ký một nơi trú ẩn khẩn cấp của chính quyền ở Tokyo. Anh sẽ được phép ở đó đến thứ hai.
Sau đó, anh nói, "Tôi không biết mình có thể đi đâu".