Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều người vẫn chủ quan ăn cá nóc

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo người dân không nên ăn cá nóc khi không nắm rõ cách chế biến loại cá có độc này. Tuy nhiên không ít người vẫn sử dụng cá nóc làm thức ăn dẫn tới bị ngộ độc, tử vong.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn cá nóc, các loại thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.

Tử vong do ngộ độc cá nóc

Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận vừa có báo cáo về vụ việc làm 2 người ngộ độc, 1 người tử vong vào trưa 15/9. Qua khai thác, nhóm người cùng trú huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, sau khi ra biển bắt cá được 1 con cá nóc mú khoảng 1kg cùng một số loại cá khác, nhóm này quyết định mang về nấu canh chua. Trong số 3 người, ông H.V.C. ăn thịt cá nóc, gan cá nóc nhiều hơn so với 2 người còn lại.

Bệnh nhân bị ngộ độc cá nóc điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh nhân bị ngộ độc cá nóc điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, cả 3 người đều xuất hiện các triệu chứng như: tê lưỡi, tê miệng, tê tay chân, đau đầu vã mồ hôi, buồn nôn. Sau khi được sơ cứu tại trạm y tế xã Cà Ná, cả 3 người đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cấp cứu và điều trị.

Khoảng 18 giờ cùng ngày, bệnh nhân H.V.C. dần tỉnh. Tuy nhiên, đến rạng sáng 1 giờ 30 phút ngày 16/9, bệnh nhân C. có dấu hiệu mê, nổi vân tím, huyết áp không đo được, mạch khó bắt. Sau khi các bác sĩ hội chẩn, tình trạng bệnh chuyển nặng, tiên lượng tử vong, người nhà có nguyện vọng đưa về lo hậu sự. Riêng 2 trường hợp còn lại, sức khỏe tương đối ổn định và tiếp tục được theo dõi, điều trị. Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, nguyên nhân ông H.V.C. tử vong là do ngộ độc cá nóc.

Trước đó, hồi cuối tháng 8/2023, Khoa hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cũng đã tiếp nhận 2 ngư dân nhập viện trong tình trạng co giật, tê lưỡi, tê chân, đau đầu, người mệt mỏi. Qua khám tiền sử bệnh, được biết, 2 bệnh nhân này cùng một người nữa có nhậu món cá nóc. Sau khi ăn cá nóc, 1 người đã tử vong.

Bác sĩ Huỳnh Trọng Tâm - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết, để loại trừ nguyên nhân ngộ độc ethanol (cồn trong rượu), bệnh viện đã hội chẩn kỹ và xác định 2 bệnh nhân có các dấu hiệu đặc trưng của ngộ độc cá nóc.

Để phòng tránh ngộ độc cá nóc

Mặc dù các cơ quan chức năng luôn cảnh báo người dân không nên ăn cá nóc khi không nắm rõ cách chế biến loại cá độc hại này, song trên thực tế ngộ độc cá nóc vẫn diễn ra hàng năm. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có nhiều ngư dân thường xuyên dùng cá nóc làm thức ăn và làm mồi nhậu. Đây là loài cá có độc tính thay đổi liên tục theo mùa và theo chu kỳ sinh sản nên rất khó biết khi nào cá nóc có độc hay không. Do vậy, người dân ăn cá nóc cần chế biến cẩn thận, bỏ hết các bộ phận chứa độc như gan, mật, trứng… để bảo đảm an toàn.

Theo Cục ATTP, Bộ Y tế, độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin (TTX), tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá. Độc tố này tăng mạnh vào mùa cá sinh sản (từ tháng 2 đến 7 hằng năm). Thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt sẽ gây độc khi dùng. Mức độ độc tính của cá nóc tetrodotoxin có thể mạnh gấp 1.000 lần xyanua. Độc tố cá nóc rất độc, với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1 - 2mg độc tố có thể gây chết người.

Cục ATTP khuyến cáo, người dân không ăn cá nóc khô, tươi; không chế biến, bán, sử dụng các sản phẩm từ cá nóc như chả, bột cá nóc. Hiện nay chưa có thuốc giải độc cá nóc, các biện pháp điều trị chỉ mang tính chất hỗ trợ loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể nên nguy cơ tử vong do nhiễm độc nặng vẫn có thể thể xảy ra.

Để phòng tránh bị ngộ độc cá nóc, các chuyên gia y tế lưu ý, người dân không nên làm các sản phẩm từ cá nóc đem bán. Khi ăn phải cá nóc, nếu xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.