Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều nguy cơ trẻ sinh non dễ phải đối mặt

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ sinh non luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về mắc các bệnh và chịu ảnh hưởng, tác động đến từ môi trường. Việc chăm sóc trẻ non tháng, nhẹ cân luôn là thử thách với các sản phụ và gia đình.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu chăm sóc trẻ sinh non không tốt, sau này, trẻ sẽ gặp phải nhiều vấn đề về phát triển.
Đón 6.000 trẻ sinh non mỗi năm
Lặn lội từ huyện Thạch Thất lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để tái khám cho con trai sinh non ở tuần thứ 31, chị Từ Thu Phương (32 tuổi) cho biết, ban đầu, khi sinh ra, chị và gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của bé. Lúc đó, bé chỉ nặng 1,8kg, hệ thống hô hấp còn rất yếu ớt, phản xạ yếu khiến các bác sĩ vô cùng vất vả để có thể nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch.
“Nhờ sự chăm sóc đặc biệt của các y bác sĩ, sau hơn 3 tháng nuôi dưỡng, bé đã đạt 5kg, bú tốt, vận động tốt, ít ốm vặt nên việc chăm con cũng đỡ vất vả hơn” - chị Phương cho hay.
Những năm gần đây, trẻ sinh non trên thế giới chiếm tỷ lệ cao khoảng từ 7 - 10%. Hiện nay, Khoa Sơ sinh - Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải khi mỗi năm, BV tiếp nhận hơn 40.000 trẻ sơ sinh ra đời, trong đó, có tới 6.000 trẻ sinh non, chiếm khoảng 9 -10% (gần 600 trẻ sinh non/tháng). Riêng năm 2019, trẻ sinh non tại BV Phụ sản Hà Nội chiếm tới 15 - 20%. Có những ngày cao điểm, BV tiếp nhận 80 - 90 trẻ sinh non.
 Bác sĩ khám cho trẻ sinh non tại Ngày hội trẻ sinh non Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Trần Thảo
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, thực tế cho thấy, trẻ sinh non luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề về bệnh tật. Tỷ lệ trẻ chết trong thời kỳ chu sinh (giai đoạn 4 tháng đầu) rất nhiều.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cũng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sinh non, có thể từ những viêm nhiễm như viêm tiết niệu, viêm răng hay viêm âm đạo, cấu tạo cổ tử cung ngắn… Ngoài ra, còn có những nguyên nhân cơ học như: Người mẹ làm việc quá sức, dinh dưỡng thiếu, ngủ ít, bị stress trong cuộc sống quá nhiều cũng như những tác động ngoại lực vào vùng tử cung như người mẹ bị ngã, bị chấn thương, va đập.
Do vậy, sản phụ nên phòng tránh từ các nguyên nhân nêu trên, đồng thời, nên chọn lựa một cơ sở chuyên khoa, uy tín đến theo dõi suốt quá trình thai nghén. “Nếu sản phụ chuyển dạ sinh con chưa đủ ngày, đủ tháng thì nên đến các tuyến tỉnh hoặc T.Ư để sinh. Hoặc lỡ sinh non ở tuyến dưới, cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa BV tuyến trên để trẻ sinh non được chăm sóc đặc biệt ngay từ những ngày đầu đời, tránh để lại những hậu quả, di chứng đáng tiếc” - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh lưu ý.
Chăm sóc trẻ sinh non trong điều kiện đặc biệt 
PGS.TS Ánh cho rằng, chăm sóc trẻ non tháng, nhẹ cân luôn là thử thách. Trẻ sinh non là trẻ không đủ các yếu tố cấu thành của cơ thể để sống bình thường. Vì vậy, trẻ cần được đảm bảo chăm sóc trong điều kiện y tế đặc biệt. Trẻ được trở về với gia đình chăm sóc khi các bác sĩ đảm bảo trẻ có thể tự bú, tự thở, thích nghi với môi trường.
Tuy nhiên, quá trình chăm sóc sau đó của gia đình cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ để trẻ có thể phát triển bình thường, tránh những tổn hại tới sức khỏe của trẻ sau này như giảm sút trí tuệ hay chậm phát triển thể lực...
Do trẻ non tháng có hệ thống miễn dịch, các cơ quan chức năng trong cơ thể chưa hoàn thiện, vì vậy, trẻ rất dễ nhiễm khuẩn. Sức chịu đựng của trẻ trước thay đổi môi trường cũng vô cùng kém, điều này đòi hỏi trẻ phải được chăm sóc đặc biệt 24/24 giờ, kiểm soát nghiêm ngặt các chức năng hô hấp, tim mạch, tiêu hóa…
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, chăm sóc trẻ sinh non đã khó, với những trẻ sinh cực non (7 tháng) còn khó khăn hơn. Bởi giai đoạn đầu của trẻ sinh cực non không có tính năng, khái niệm tự sống ở môi trường bên ngoài (nghĩa là trẻ không tự thở, không tự bú, không tự đề kháng bệnh tật).
Trẻ sinh cực non thiếu tất cả mọi yếu tố nên gia đình phải chăm sóc trẻ qua giai đoạn này, giúp trẻ có thể thích nghi và có khả năng tự đề kháng rồi mới đến giai đoạn non. Qua đó, trẻ sinh cực non phải được nuôi dưỡng trong chế độ đặc biệt: Nuôi lồng kính, cho ăn bằng đường tĩnh mạch, môi trường tuyệt đối vô khuẩn, đảm bảo về ánh sáng, nhiệt độ, theo dõi huyết áp, nhịp tim, hơi thở 24/24 giờ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường nếu có. 

"Hiện nay, trung bình, khoa khoa Sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội có tới 35 - 46% trẻ dưới 1kg và 23% trẻ dưới 1,5kg phải đối mặt với bệnh phổi mạn tính. Nhiều trẻ dưới 1,5 kg gặp các vấn đề về ăn uống, tăng trưởng, thiếu máu do thiếu sắt. Không chỉ vậy, một số trường hợp trẻ còn bị chảy máu nội sọ, chảy máu nhu mô, quanh não thất gia tăng nguy cơ chậm phát triển tinh thần và vận động; tổn thương chất trắng dẫn đến nguy cơ tổn thương vận động, nhãn cầu." - Bác sĩ Phan Thị Huệ - Trưởng khoa Sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội