Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh:

Nhiều nhân viên y tế chưa nhận được tiền phụ cấp ưu đãi nghề

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nguyên nhân nhiều nhân viên y tế cơ sở tại TP Hồ Chí Minh suốt 2 năm vẫn chưa nhận được tiền phụ cấp, theo Sở Y tế vì Nghị định 05 được ban hành và áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023, dù Sở đã triển khai nhưng đang nảy sinh một số bất cập.

Chiều 18/1, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.

Tại buổi họp này, nhiều vấn đề được phóng viên báo đài quan tâm đặt câu hỏi, trong đó có việc nhiều nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế công lập (trạm y tế phường/ xã, trung tâm y tế quận, huyện) ở TP Hồ Chí Minh vẫn chưa nhận được, hoặc chỉ nhận 40% trong mức 100% chế độ phụ cấp ưu đãi nghề trong năm 2022 và 2023, theo Nghị định 05 ngày 15/2/2023 của Chính phủ.

Đã 2 năm qua, nhiều nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh chưa nhận được tiền phụ cấp ưu đãi nghề theo Nghị định 05 của Chính phủ. Ảnh: Tân Tiến.
Đã 2 năm qua, nhiều nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh chưa nhận được tiền phụ cấp ưu đãi nghề theo Nghị định 05 của Chính phủ. Ảnh: Tân Tiến.

Theo Sở Y tế, khi triển khai thực hiện Nghị định 05, ngành y tế gặp phải một số khó khăn, trong đó có vướng mắc nguồn kinh phí chi trả phụ cấp theo quy định. Nghị định 05 được ban hành và áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023, dù Sở Y tế đã triển khai nhưng trên thực tế đang nảy sinh một số bất cập.

Cụ thể, vướng mắc trong xác định các đối tượng được hưởng phụ cấp theo quy định. Nghị định 05 được ban hành trong hoàn cảnh dịch Covid-19 còn bùng phát mạnh, lây lan nhanh. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, từ các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên hành chính, kế toán cho đến nhân viên bảo vệ, lái xe đều tham gia vào công tác phòng, chống dịch…

Tuy nhiên, theo quy định chỉ có viên chức được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp có ký tự đầu của mã số chức danh nghề nghiệp là V.08 thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế mới thuộc đối tượng được nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100%. Điều này dẫn đến rất nhiều nhân viên làm việc tại trung tâm y tế, trạm y tế (nhân viên trực tiếp làm chuyên môn y tế nhưng không có mã chức danh nghề nghiệp bắt đầu là V.08; viên chức y tế làm công tác truyền thông, dân số; các trường hợp đang giữ chức danh nghề nghiệp y tế nhưng ở vị trí quản lý, hành chính kiêm nhiệm làm công tác chuyên môn do đơn vị thiếu hụt nhân lực có chuyên môn y tế…) không thuộc đối tượng được nâng phụ cấp ưu đãi nghề. Việc này đã tạo ra tâm lý không công bằng, vừa thiếu sự khích lệ và vô tình tạo khoảng cách về nhân viên trong một đơn vị.

Thứ hai, về nguồn kinh phí chi trả phụ cấp theo quy định, nguồn kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề là nguồn thu của các cơ sở y tế từ các hoạt động sự nghiệp theo quy định và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. TP Hồ Chí Minh có 43 đơn vị thuộc khối y tế cơ sở và dự phòng, hầu hết rất khó khăn về nguồn thu sự nghiệp nên cần ngân sách hỗ trợ để thực hiện Nghị định 05.

Ngoài ra, còn có khó khăn khách quan là tại thời điểm Nghị định 05 ban hành thì năm tài chính 2022 đã kết thúc, các đơn vị đã lập quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022, do đó không còn nguồn tài chính để thực hiện chi trả phụ cấp ưu đãi nghề cho năm 2022. Sở Y tế đã đề xuất Sở Tài chính tham mưu UBND TP bổ sung ngân sách để chi trả phụ cấp ưu đãi nghề vì nguồn thu của các đơn vị y tế cơ sở và y tế dự phòng rất hạn chế.

Trước nhiều ý kiến từ cơ sở, Sở Y tế đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Vụ Tổ chức cán bộ về việc thực hiện Nghị định 05. Trong đó, có nội dung đề nghị Bộ Y tế quan tâm xem xét xác định toàn bộ viên chức (kể cả viên chức ở bộ phận gián tiếp) tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức, trạm y tế phường/xã/thị trấn được phân công thực hiện các công việc chuyên môn y tế là đối tượng được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% theo Nghị định số 05 vì đây cũng là lực lượng ở tuyến đầu, thường xuyên, trực tiếp xông pha vào những thời điểm cam go, đã cùng với đội ngũ cán bộ chuyên môn y tế làm việc không kể ngày đêm, không kể ngày nghỉ, không sợ hiểm nguy trong môi trường nguy cơ cao về lây nhiễm để thực hiện nhiệm vụ chống dịch thành công.