Là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu, đa sắc tộc và tôn giáo, cùng sự phổ biến của internet và nền kinh tế số, Singapore được đánh giá là rất dễ bị tổn thương bởi tin giả. Chính phủ Singapore duy trì quan điểm cần phải mạnh tay ngăn chặn thông tin sai lệch bởi chúng có thể là nguy cơ gây chia rẽ tại một quốc gia đa sắc tộc như Singapore.
Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến của Singapore đã chính thức có hiệu lực từ ngày 2/10, theo đó các cá nhân vi phạm có thể chịu mức phạt lên tới 100.000 đô la Singapore (SGD) - khoảng hơn 72.000 USD, hoặc ngồi tù tới 10 năm hoặc cả hai. Mức phạt đối với DN có thể lên tới 1 triệu SGD.
Theo văn bản luật được Quốc hội Singapore thông qua vào tháng 5/2019 sau 2 năm cân nhắc, luật được áp dụng đối với các nền tảng mạng xã hội, các cổng tin tức, các nền tảng như nhóm chat, thảo luận trực tuyến. Căn cứ vào luật mới, người đứng đầu các bộ của Singapore đều có thẩm quyền xác định thông tin nào trong lĩnh vực mà họ quản lý là sai sự thật và buộc các cá nhân, công ty sai phạm đính chính và ngừng phát tán thông tin.
Ngoài ra, Chính phủ Singapore có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet hoặc các nhà cung cấp dịch vụ trung gian chặn mọi hoạt động tiếp cận để bảo vệ các trang thông tin điện tử hoặc phải đối mặt với mức phạt 20.000 USD/ngày với số tiền phạt có thể lên tới 500.000 USD. Với các hình phạt nghiêm khắc đặt ra trong đạo luật mới, người dùng mạng xã hội ở Singapore từ nay sẽ phải cẩn thận trước khi viết điều gì chưa rõ ràng hoặc chia sẻ thông tin nào đó. Luật mới cũng buộc các công ty mạng xã hội sẽ phải tăng cường nhân lực để đăng các cải chính bên cạnh tin giả hoặc gỡ bỏ chúng theo yêu cầu của các cơ quan quản lý.
Ngoài Singapore, hiện nhiều quốc gia khác đã có những biện pháp quyết liệt để đối phó với tình trạng tin giả, quy định những khoản tiền phạt lên đến hàng chục triệu USD đối với các nền tảng công nghệ khổng lồ như Google hay Facebook nếu không cho phép người dùng khiếu nại về nội dung kích động thù hận và tin giả, hoặc từ chối loại bỏ những nội dung bất hợp pháp.
Chính phủ Đức hồi tháng 1/2018 đã thông qua một đạo luật buộc các công ty mạng xã hội phải nhanh chóng xóa bỏ các nội dung phạm pháp như các bài viết có nội dung thù địch, ấu dâm, các nội dung có liên quan tới khủng bố và các thông tin sai sự thật trên các trang thông tin của họ. Các trang mạng xã hội này sẽ có thời hạn 24 giờ để xóa bỏ các nội dung bị cấm, nếu không sẽ bị phạt tới 50 triệu euro.
Tại Malaysia, Luật Chống tin tức giả ban hành vào năm 2018 đã hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng với mức hình phạt lên đến 6 năm tù.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc không cho phép bất cứ mạng xã hội nào của nước ngoài được hoạt động, thay vào đó, Bắc Kinh hối thúc các công ty công nghệ trong nước sáng tạo và đưa vào sử dụng các mạng xã hội riêng vừa để kiểm soát an ninh mạng vừa coi đó là biện pháp hạn chế tin giả.
Chính quyền Bắc Kinh đã ban hành các luật về internet, các bộ lọc công nghệ, cảnh sát mạng, yêu cầu các công ty cung cấp internet tự loại bỏ những nội dung độc hại trên mạng của mình.
Xử phạt mạnh tay hơn là nước Nga, khi Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 3 năm nay đã ký ban hành Luật về tin giả và thông tin xúc phạm chính quyền trên internet. Chính quyền có thể khóa các trang web không đáp ứng các yêu cầu xóa bỏ những nội dung sai lệch.
Các cá nhân có thể bị phạt tới 400.000 ruble (khoảng 8.302 USD) vì phát tán và lan truyền tin giả trực tuyến vi phạm nghiêm trọng tới trật tự công cộng. Theo luật mới, thông tin mang tính xúc phạm là thông tin đăng trên mạng ở hình thức không đứng đắn, xúc phạm phẩm giá con người, đạo đức xã hội và thể hiện thái độ không tôn trọng rõ ràng đối với xã hội, nhà nước, các biểu tượng quốc gia, Hiến pháp Nga và các cơ quan chính quyền.
Đối tượng phát tán thông tin giả đe dọa gây thiệt hại cho đời sống và sức khỏe công dân, tài sản cũng như đe dọa gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt từ 30 - 100.000 ruble; thông tin gây cản trở hoạt động của các cơ sở bảo đảm cuộc sống chịu mức phạt từ 100 - 300.000 ruble và có thể bị phạt hành chính đến 15 ngày tạm giữ; phát tán thông tin gây hại cho công dân và tài sản, trật tự công cộng có thể bị phạt 300 - 400.000 ruble.
Đặc biệt là mức phạt dành cho quan chức và các pháp nhân sẽ nghiêm khắc hơn cho công dân, có thể lên đến 1,5 triệu ruble. Luật mới cũng “dọn sạch” các trang tin giả khỏi không gian mạng, từ đó tránh các làn sóng lo ngại, loại trừ khiêu khích và bảo vệ được an ninh xã hội. Theo luật mới, các cơ quan chức năng được phép chặn các trang mạng nếu không tuân thủ các yêu cầu dỡ bỏ thông tin mà nhà nước đã khẳng định là không đúng sự thật.