Theo đó, bắt đầu từ năm sau, các cửa hàng cà phê và nhà hàng tại Hàn Quốc sẽ bị cấm sử dụng các sản phẩm dùng một lần như cốc giấy, ống hút nhựa.
Lệnh cấm nhằm giảm rác thải nhựa đang ngày càng nhiều trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành.
Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật cấm sử dụng nhựa dùng một lần từ tháng 8/2018. Tuy nhiên, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Seoul đã ban hành sắc lệnh cho phép sử dụng các sản phẩm dùng một lần do lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus từ các sản phẩm tái sử dụng.
Tuy nhiên, việc sử dụng các các sản phẩm dùng một lần gia tăng trong đại dịch buộc nước này phải xóa bỏ sắc lệnh trên. Ước tính mỗi năm xứ sở kim chi sử dụng khoảng 3,3 tỷ cốc nhựa dùng một lần.
Còn tại Anh, Chính phủ kêu gọi hạn chế các nguồn ô nhiễm nhựa khác, như khăn ướt, đầu lọc thuốc lá, gói và cốc dùng một lần. Việc cấm nhựa trong các mặt hàng này có thể được đưa vào như một biện pháp chính sách trong tương lai.
New South Wales - bang lớn nhất tại Australia cũng vừa trở thành bang thứ 3 của nước này quyết định cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, với mục tiêu tăng cường bảo vệ môi trường, tránh lãng phí.
Theo luật mới vừa được Quốc hội bang New South Wales thông qua, bắt đầu từ tháng 6/2022, bang New South Wales sẽ cấm sử dụng các loại túi ni lông nhẹ. Từ tháng 11/2022, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ bị cấm bao gồm các loại ống hút, dao dĩa, bát, đĩa, bao bì đựng thực phẩm làm từ nhựa polystyrene giãn nở (EPS) và các hạt vi nhựa sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm.
Bên cạnh việc ban hành lệnh cấm nhựa không thể tái chế, bang New South Wales dự kiến sẽ chi 365 triệu AUD trong 5 năm tới để giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Từ đầu tháng 9 vừa qua, lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần theo lộ trình của bang Queensland bắt đầu có hiệu lực. Trước đó từ đầu năm nay, lệnh cấm tương tự đã được áp dụng tại bang Nam Australia. Các cá nhân vi phạm sẽ bị phạt 315 AUD và tổ chức không thực hiện lệnh cấm sẽ bị áp dụng mức phạt lên đến 20.000 AUD.