Nhiều sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Thành ủy Hà Nội đã có Chương trình 02-CTr/TU ngày 29/8/2011 về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015.

  Nhờ cách làm bài bản, khoa học và sự vào cuộc quyết liệt, sau hơn 3 năm triển khai, đến nay, Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng NTM.

Ngoại thành khởi sắc

Huyện Đan Phượng không chỉ được biết đến là quê hương của phong trào "Ba đảm đang" mà còn là địa phương đi đầu toàn TP về xây dựng NTM.

Về Đan Phượng hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất "Phượng hoàng đỏ bay lên" này. Từ trung tâm thị trấn, những con đường nhựa chạy về các xóm làng trù phú, các làng nghề truyền thống... tạo nên diện mạo mới cho vùng đất này. Sau hơn 3 năm xây dựng NTM, huyện Đan Phượng đã có 15/15 xã đạt các tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, hệ thống tổ chức chính trị vững mạnh... Đặc biệt, nhờ cơ chế hỗ trợ kịp thời và cách làm sáng tạo, huyện đã hoàn thành cơ bản việc bê tông hóa các tuyến đường xóm, ngõ. Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng chia sẻ, huyện đã vận động các doanh nghiệp ứng trước vật liệu theo hình thức trả chậm và Nhân dân đóng góp vật liệu phụ như gạch, cát đen, sắt đổ tấm đan và tổ chức thi công. Với cách làm như vậy, toàn huyện đã xây dựng được trên 230km đường trục thôn, đường ngõ, xóm và trục chính nội đồng với tổng vốn đầu tư 317,4 tỷ đồng, tiết kiệm được 234,5 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái kiểm tra mô hình trồng nấm tại huyện Mỹ Đức
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái kiểm tra mô hình trồng nấm tại huyện Mỹ Đức
Thực hiện Chương trình 02, sau 3 năm kinh tế của huyện Phúc Thọ đã có những tiến bộ vượt bậc. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới về chuyển dịch cơ cấu và hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh mang lại hiệu quả cao như: Rau an toàn xã Thanh Đa, thu nhập ước đạt 600 - 800 triệu đồng/ha/năm, hoa ly xã Tam Thuấn đạt 5 - 6 tỷ đồng/ha/năm... Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện liên tục tăng, đạt 23,2 triệu đồng/người/năm. Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Văn Đạc cho biết, hiện, huyện có 4 xã được TP công nhận xã đạt chuẩn NTM, 6 xã đạt 15 - 17 tiêu chí, 12 xã còn lại đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Năm 2014, huyện phấn đấu có thêm 6 xã đạt xã chuẩn NTM.

Quyết tâm đạt mục tiêu

Không chỉ dừng lại ở đổi mới diện mạo nông thôn, thành tựu trong xây dựng NTM của Thủ đô hơn 3 năm qua còn được ghi nhận bởi sự đổi thay về chất lượng sống của người dân khu vực ngoại thành.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến hết năm 2013, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của TP đạt 24,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn chỉ còn 3,54%, gần đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM (dưới 3%).
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái nhận định, xây dựng NTM là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hợp lòng dân và được Nhân dân đồng thuận cao. Sau hơn 3 năm thực hiện, Chương trình 02 đã đạt được kết quả quan trọng, làm thay đổi bộ mặt ngoại thành Hà Nội. Đặc biệt, khu vực nông thôn đã không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Hệ thống các thiết chế văn hóa nông thôn tiếp tục được quan tâm hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người nông dân. Công tác y tế, giáo dục cũng có những bước tiến đáng kể, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Diện mạo nông thôn mới tại xã Song Phượng
Diện mạo nông thôn mới tại xã Song Phượng
Với những kết quả đạt được, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về thành tựu trong xây dựng NTM, đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp, nông thôn của cả nước. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, nên những kết quả đạt được và những kinh nghiệm, sáng tạo trong cách làm của Hà Nội sẽ tạo cơ sở để phổ biến, nhân rộng ra các địa phương khác.

Có được những kết quả đáng ghi nhận đó là nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và sự quan tâm thường xuyên của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Trong đó phải kể đến việc Thành ủy chọn Chương trình 02 là một trong 9 chương trình trọng tâm của Thành ủy Khóa XV. Cùng với đó, HĐND, UBND TP cũng có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM trên địa bàn TP, đặc biệt là Quyết định 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP ngày 6/7/2012 ban hành quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển  sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016...