Nước biển dâng từ lâu đã trở thành mối đe dọa đối với các thành phố ven biển. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters, đất ở Karachi (Pakistan) đang chìm nhanh gấp 5 lần so với mực nước biển.
Thủ đô Manila của Philippines và Chittagong - thành phố lớn thứ 2 của Bangladesh - đang chìm với tốc độ gấp 10 lần tốc độ nước dâng. Còn tại Thiên Tân - một thành phố ven biển cách thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc khoảng 150km về phía Đông Nam - mặt đất đang chìm với tốc độ gấp 20 lần tốc độ nước dâng.
Chỉ riêng tại 4 thành phố kể trên, hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến khoảng 59 triệu cư dân.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích 99 thành phố trên khắp thế giới từ năm 2015 đến năm 2020, chỉ ra rằng việc khai thác nước ngầm liên quan đến đô thị hóa nhanh chóng và gia tăng dân số, sản xuất dầu khí và xây dựng.
Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra một dấu hiệu đáng mừng: Các biện pháp can thiệp của Chính phủ ở Indonesia và Trung Quốc đã làm chậm tốc độ chìm ở Jakarta và Thượng Hải, chủ yếu thông qua các quy định làm giảm khai thác nước ngầm.
"Tỷ lệ sụt lún" trung bình hàng năm của Jakarta đã giảm xuống còn 20mm/năm - giảm hơn 90% từ năm 2010 đến năm 2020. Thượng Hải hầu như đã ổn định, mặc dù các khu vực của TP hiện vẫn có mức sụt lún lên đến 10mm/năm.
Nghiên cứu cảnh báo, các TP không được đầu tư và thực hiện các hành động để làm chậm quá trình chìm "sẽ gặp thách thức bởi lũ lụt sớm hơn nhiều so với dự báo của các mô hình mực nước biển dâng".