Ngày 29/12, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị Tổng kết dự án chuỗi giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Tới dự có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm bên lề hội nghị |
Hiệu quả kinh tế cao
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, giai đoạn 2016 - 2020, đơn vị đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, Sở đã hoàn thành 3 kế hoạch và 1 dự án. Cụ thể:
Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica: Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica đạt hơn 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất lúa Bắc thơm số 7 từ 14 - 16 triệu đồng/ha/vụ, lúa thường 20 triệu đồng/ha/vụ (vượt 25% so với kế hoạch đề ra). Từ hiệu quả kinh tế của kế hoạch, đến nay đã lan tỏa sản xuất lúa Japonica trên toàn TP. Tại một số huyện, diện tích sản xuất lúa Japonica tăng mạnh như: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn… So với năm 2018, diện tích sản xuất lúa Japonica tại 10 huyện sản xuất lúa trọng điểm tăng gấp 2,55 lần.
Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội: Giai đoạn 2019 - 2020, Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội so với năm 2018, diện tích cây bưởi năm 2020 của TP đạt 7.693 ha, tăng 25,3%, năng suất quả tăng 13,5% (25 tạ/ha), sản lượng tăng 42,1% (45.384 tấn). Hiệu quả kinh tế đạt 589 triệu đồng/ha.
Kế hoạch phát triển bò thịt chất lượng cao: Hàng năm cung cấp cho thị trường trên 3.000 tấn thịt bò chất lượng cao. Sau khi kế hoạch kết thúc sẽ tạo ra có 5.500 con bê lai chất lượng cao, bê sinh ra có ngoại hình đẹp, sinh trưởng nhanh, bê 4 - 6 tháng tuổi trọng lượng đạt 140 - 180kg, bán được giá cao hơn so với các giống bò khác từ 3 - 5 triệu đồng/con. Giá tăng giá trị sản phẩm bê từ 10 - 20% so với các bê thông thường khác. Giá trị tăng thêm ước đạt 27,5 tỷ đồng.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Nội được trưng bày tại các gian hàng bên lề hội nghị |
Dự án chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020: Dự án đã giúp cho các đơn vị tham gia chuỗi thực hiện tốt việc liên kết, đồng bộ giữa các khâu từ cơ sở sản xuất chăn nuôi gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đã tạo ra hiệu quả kinh tế như giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, ổn định giá bán ra trên thị trường...
Việc tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch và được tuyên truyền rộng rãi từ đó người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm giúp ra tăng giá trị sản phẩm. Nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống các phân phối, cửa hàng tiện tích, bếp ăn tập thể, sản lượng tại các chuỗi đã tăng trên 10% so với trước khi tham gia dự án.
Thông qua việc thực hiện các kế hoạch, dự án phát triển nông nghiệp đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về hiệu quả sử dụng đất đai, giảm sử dụng phân bón hóa học, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Làm thay đổi một số thói quen canh tác cũ, bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.
Đặc biệt, thành công của các kế hoạch, dự án phát triển nông nghiệp đã góp phần cao đời sống nông dân, là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục hướng tới những mục tiêu cao hơn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Các đại biểu đánh giá sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao của Hà Nội trưng bày bên lề hội nghị |
Xứng đáng là đầu tàu của cả nước
Đánh giá cao các kết quả mà ngành nông nghiệp Hà Nội đạt được, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã thực hiện tốt việc xây dựng và phát triển dự án chuỗi, trở thành điểm sáng và xứng đáng là đầu tàu của cả nước. Với những kết quả đó, Hà Nội cần nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng, tạo niềm tin, sức lan tỏa hơn nữa để nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn TP. Nhiệm vụ này có vai trò quan trọng trong thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân trong giai đoạn tiếp theo.
Trên cơ sở các kế hoạch, dự án đã có, Hà Nội cần phát hiện thành nhiều chuỗi, đẩy mạnh kiểm soát và mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hơn nữa. Cùng với đó, đẩy mạnh chế biến bảo quản, tạo môi trường tiêu thụ thuận lợi. Ngoài 21 tỉnh đã liên kết, Hà Nội cần tăng cường mở rộng kết bối với các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trao thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận, biểu dương sự cố gắng phấn đấu của Sở NN&PTNT, các sở ngành, các quận, huyện, thị xã; đặc biệt đánh giá cao sự nỗ lực của cộng đồng DN, hộ nông dân.
Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Chính phủ, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở NN&PTNT, các sở ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là, phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng chuyên canh tập trung, giá trị kinh tế cao, bền vững và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; phù hợp với lợi thế và nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nông dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý, phát triển nông nghiệp phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, cần rà soát điều kiện các vùng, các xã trọng điểm chuyên canh gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, lấy DN là đầu tàu, xây dựng và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Tiếp tục xác định các cây trồng, vật nuôi, thủy sản là chủ lực của TP gắn với sản xuất theo mô hình hữu cơ, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu. |
Nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, việc nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản cần thực hiện theo hướng phát huy các loại giống cây, con mang lại hiệu quả cao mà trong thời gian qua TP đã và đang duy trì đúng hướng; trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng. Cùng với đó, triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với định hướng của Bộ NN&PTNT, bám sát quy hoạch phát triển của TP.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát, điều chỉnh một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của TP đã ban hành nhằm đảm bảo đáp ứng theo tình hình thực tế sản xuất. Đồng thời, tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách phat triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trong cả nước và các cơ quan truyền thông trong công tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền quảng bá, giới thiệu những thành tựu về mô hình tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô.
Đối với các quận còn sản xuất nông nghiệp, các huyện, thị xã, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu chủ động ban hành những chương trình, kế hoạch khuyến khích phát triển nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, vùng sinh thái. Từ đó tạo điều kiện, thu hút các DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Về các đề xuất, kiến nghị của các tại hội nghị, giao Sở NN&PTNT tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết; những nội dung vượt thẩm quyền thì báo cáo TP để xem xét, quyết định” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Nhân dịp này Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho 9 tập thể, 22 cá nhân; Sở NN&PTNT Hà Nội đã trao tặng Giấy khen cho 14 tập thể, 22 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thưc hiện Dự án chuỗi giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.