Phan Như Hoài Thu – cựu học sinh Trường THPT Trần Phú nhận định mã đề của em tương đối dễ, nếu chỉ cần điểm để đỗ tốt nghiệp THPT thì khá đơn giản. “Có đến 25/40 câu hỏi trong đề em khoanh tròn đáp án không cần phải suy nghĩ, vì gắn liền với đời sống của mọi người như: Pháp luật, dân chủ, quyền và nghĩa vụ của công dân, bình đẳng giới, kế hoạch hoá gia đình, thực hiện luật An toàn giao thông đường bộ...
Hoài Thu cũng rất hào hứng khi tiếp cận những câu hỏi tình huống. Tuy rằng những câu hỏi này mang tính phân loại thí sinh nhưng không làm khó em, bởi đã được biết nhiều qua báo đài. Chẳng hạn như tình huống các em đi học về phát hiện một người lấy ví của nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông....
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Việt Đức trải qua môn thi cuối cùng trong sự phấn khởi vì làm bài tương đối tốt. |
Võ Linh Thu tại điểm thi Trường THPT Việt Đức cũng thú vị với những câu hỏi tình huống trong bài thi môn Giáo dục công dân, tuy rằng đề có số câu hỏi buộc thí sinh phải suy nghĩ nhiều hơn so với đề thi minh hoạ. Nhưng, những câu hỏi này không làm khó em bởi em đã bắt gặp trong đời sống hàng ngày cũng như đọc được thông tin trên các trang báo. Đó là có việc doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để kinh doanh mang lại lợi nhuận cao cho mình nhưng lại hại người khác; những “anh hùng bàn phím” chửi nhau trên mạng để dìm người ta xuống tận bùn đen mà chẳng cần xem xét đến bản chất của vấn đề,... Những câu hỏi lý thuyết chủ yếu đề cập đến vấn đề vi phạm hành chính, dân sự, các quyền riêng tư của công dân... rất đỗi đơn giản em làm rất nhanh. Hay những vấn đề khác của đời sống mà sau này các em ra trường đi làm gặp phải cũng được đưa vào trong những câu hỏi tình huống của môn Giáo dục công dân. Cụ thể như việc làm tại doanh nghiệp, mối quan hệ giữa người quản lý và nhân viên, đồng nghiệp với nhau ở môi trường làm việc, dùng cách để vận đồng bầu cử để được thăng tiến... Tuy rằng đây là những câu hỏi tình huống cụ thể nhưng nhiều thí sinh nhận định, đề thi muốn chuyển đến thông điệp sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật cũng như luôn có tấm lòng nhân ái, bao dung thì hạnh phúc mới đến với mình. “Lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được lựa chọn để thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trắc nghiệm khách quan, nhưng chúng em không thấy bỡ ngỡ. Em muốn năm sau nếu Bộ GD&ĐT vẫn chọn môn này cho kỳ thi THPT quốc gia, đề nên có nhiều câu hỏi tình huống hơn nữa để các bạn học sinh không phải học lý thuyết nhiều mà dành thời gian để tìm hiểu thực tế và đọc thông tin để kết quả làm bài tốt hơn” - Huỳnh Gia Hân – thí sinh thi tại Trường THPT Việt Đức mong muốn. Với đề thi môn Giáo dục công dân có tới 60% câu hỏi cơ bản, nhiều thí sinh nhận định dễ dàng kiếm được điểm trên 6 và cao hơn nữa.Đề phát huy được điểm mạnh của thi trắc nghiệmĐề xuất hiện nhiều tình huống thực tiễn, phát huy được điểm mạnh của hình thức thi trắc nghiệm là nhận định của tổ Giáo dục công dân – Hệ thống giáo dục HOCMAI dựa trên một số mã đề môn Giáo dục công dân. Đề bám sát chương trình phổ thông lớp 12, các vấn đề và nội dung câu hỏi đều nằm trong phạm vi chương trình. Đề có sự sắp xếp các câu hỏi từ dễ đến khó, bám sát ma trận kiến thức, tạo tâm lý thoải mái và thuận lợi cho thí sinh làm bài.Tương tự như các đề thi Lịch sử, Địa lý, hay các môn trong bài thi Khoa học tự nhiên, đề Giáo dục công dân có 40 câu hỏi trong thời gian làm bài 50 phút. Đề phủ rộng kiến thức nhưng có sự phân hoá và hạn chế học tủ. Sự phân hoá của các câu hỏi ở mức độ rõ ràng, đảm bảo 2 mục tiêu của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Có khoảng 24 câu hỏi ở mức độ cơ bản, đề cập đến vấn đề công dân với các quyền tự do cơ bản, pháp luật và đời sống, thực hiện pháp luật. Các câu hỏi sau có độ khó tăng dần và 4 câu cuối khó hơn hẳn đây cũng là những tình huống được đưa ra để giúp các trường đại học có thể tuyển chọn được thí sinh có chất lượng.