![Ngành thép Việt Nam đang có nhiều thuận lợi.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/14/gia-thep-hom-nay-11-9.jpg)
Nhiều thuận lợi
Nhìn lại năm 2024, theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu, các cân đối lớn được đảm bảo, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Sản xuất thép thô đạt hơn 21,98 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023; Tiêu thụ thép thô nội bộ và xuất bán đạt21,41 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chủ yếu xuất khẩu phôi dẹt (slab) đạt 2,783 triệu tấn, tăng 55% so với cùng kỳ 2023.
Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 29,443 triệu tấn, tăng 6,1%. Trong đó, sản xuất thép tôn mạ kim loại & sơn phủ màu đạt cao nhất là 23,1%, thép xây dựng tăng 10,1%, ống thép tăng 3,5% và thép cuộn cán nóng (HRC) là 1,5%; duy nhất sản xuất thép cuộn cán nguội ghi nhận mức tăng trưởng âm là 19,4%.
Bán hàng thép thành phẩm đạt 29,09 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng được ghi nhận ở hầu hết các mặt hàng, trong đó cuộn cán nguội (CRC) tăng cao nhất là 34,6%; tiếp đến là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tăng 26,9%, thép xây dựng 9,3% và ống thép 5,5%, riêng HRC giảm 3,3% so với cùng kỳ 2023.
Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm năm 2024 đạt 8,042 triệu tấn, giảm nhẹ 0,6% so với cùng kỳ 2023; trong đó tất cả các mặt hàng đều ghi nhận tăng trưởng trừ cuộn cán nóng giảm 33,8%.
Về giá thép vẫn giữ ổn định từ cuối năm 2024 cho đến nay, hiện các sản phẩm thép như thép cuộn CB240, thép thanh vằn D10 CB300 đang có giá phổ biến từ 13,2 - 13,9 triệu đồng/tấn. HRC có chiều hướng giảm giá nên tôn mạ cũng đã điều chỉnh giảm.
Với việc giá nguyên liệu được giữ ổn định, sản phẩm bán ra không biến động giúp các doanh nghiệp thép đạt được nhiều thuận lợi trong những tháng đầu năm 2025. Trong đó, với Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) trong tháng 1/2025, sản lượng tiêu thụ của thép cán dài ước đạt 134 nghìn tấn; thép cán nguội ước đạt gần 74 nghìn tấn, tắng 37,3% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ. Tôn mạ ước đạt trên 37 nghìn tấn, tăng 32,5% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát trong năm 2024 đã sản xuất 8,7 triệu tấn thép thô, tăng 30% so với năm 2023. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 8,1 triệu tấn, tăng 20%. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 4,48 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Thép cuộn cán nóng HRC sản xuất hơn 3 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2023.
Tại Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và doanh nghiệp sáng 10/02, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long cho biết, với sự đầu tư lớn vào sản xuất, Tập đoàn đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Do đó, Hòa Phát hưởng ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số của đất nước cam kết giai đoạn 2025 - 2030 phát triển tối thiểu 15% mỗi năm.
Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2025 - 2030 với số vốn lớn, đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, vị lãnh đạo Hòa Phát cũng cho biết sẵn sàng đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng cho nhà máy sản xuất ray thép.
Chủ tịch Hoà Phát cũng cam kết đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty Đường sắt để làm các dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu.
Sức ép từ nhập khẩu
Trong buổi lễ ký kết tại Phòng Bầu dục vào đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế 25% đối với thép và nhôm nước ngoài, sẽ được thực thi "mà không có ngoại lệ hoặc miễn trừ". Hành động hành pháp này là hành động mới nhất trong một loạt các chính sách thương mại quyết liệt mà Tổng thống Mỹ đã thực hiện kể từ khi tái nhậm chức vào tháng trước.
Thuế quan sẽ ảnh hưởng đến mọi quốc gia xuất khẩu thép và nhôm sang Mỹ, với khoảng một phần tư thép được sử dụng tại nước này là từ Canada, Brazil và Mexico là những nhà cung cấp hàng đầu, tiếp theo là Hàn Quốc và Việt Nam. Mexico và Canada chiếm khoảng 40% lượng thép nhập khẩu của Mỹ vào năm ngoái.
Đây là một phần mở rộng của thuế Mục 232 được ban hành vào năm 2018 bởi ông Trump, ban đầu đặt mức cố định 25% cho nhập khẩu thép nhưng bao gồm các miễn trừ cho một số quốc gia như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Vương quốc Anh. Thuế mới duy trì thuế Mục 232 và loại bỏ tất cả các miễn trừ. Luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3/2025.
Đối với Việt Nam, nhập khẩu thép vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% kể từ năm 2018 theo Mục 232. Vì vậy thép của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế này, do đó, có rất ít tác động đến ngành thép Việt Nam liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ.
Theo Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), hành động thuế mới có thể thậm chí có phần tích cực đối với ngành Thép Việt Nam vì đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam trước khi tính đến các loại thuế bảo hộ khác ngang hàng với các quốc gia khác. Xuất khẩu thép của Việt Nam sang các quốc gia bị ảnh hưởng như Mexico và Canada cũng tương đối nhỏ tính đến tháng 12/2024, họ không nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam theo dữ liệu của VSA.
Tuy nhiên, việc ông Trump công bố mức thuế bổ sung 25% có thể khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc xử lý tình trạng dư thừa công suất - một vấn đề kéo dài suốt nhiều năm sau đại dịch.
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, việc Trung Quốc tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ lượng thép dư thừa có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu, thép Trung Quốc có thể chuyển hướng sản lượng dư thừa sang châu Âu, các nước châu Á và có thể là Việt Nam.
Khi thực tế, theo số liệu của hải quan Trung Quốc, tổng lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 22,7% vào năm 2024, đạt mức cao kỷ lục là 111 triệu tấn, trong đó chỉ có 0,8% trong số các lô hàng đó được chuyển đến Mỹ. Lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chỉ đạt 891.700 tấn vào năm 2024, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.