Nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời điểm hiện tại, khoảng 90 trường đại học trên cả nước đã thông tin đề án tuyển sinh năm 2023; trong đó có nhiều trường tăng chỉ tiêu, mở ngành mới. Dưới đây là phương án tuyển sinh của một số trường vừa công bố.

Sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông
Sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông

Năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển 4.280 chỉ tiêu, tăng 460 chỉ tiêu so với năm ngoái, trong đó mở thêm bốn ngành mới gồm: Kinh tế số, Truyền thông và quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng (chương trình chuẩn) và Marketing số (chương trình chất lượng cao). (Xem TẠI ĐÂY)

Trường giữ ổn định 4 phương thức tuyển sinh nhưng thay đổi tỷ lệ chỉ tiêu: 55% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp, 15% chỉ tiêu từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy; 30% chỉ tiêu xét tuyển theo đề án riêng và theo quy định của Bộ GD&ĐT. So với năm 2022, chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp giảm 10%.

Với phương thức xét tuyển theo đề án riêng, thí sinh nộp hồ sơ phải thuộc một trong 4 nhóm điều kiện: Đạt điểm SAT từ 1130/1600, điểm ACT từ 25/36 ACT trở lên; có chứng chỉ IELTS 5.5, TOEFL iBT 65, TOEFL 513 trở lên; giành giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh môn Toán, Lý, Hóa, Tin; học sinh chuyên Toán, Lý, Hóa, Tin của các trường chuyên (kèm yêu cầu về học lực, hạnh kiểm). Kết quả của các phương thức xét tuyển sớm dự kiến được công bố vào tháng 5.

Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) dự kiến tuyển sinh 14 ngành, với 1.650 sinh viên chương trình đào tạo chuẩn và 500 sinh viên chương trình liên kết quốc tế. (Xem TẠI ĐÂY)

4 phương thức xét tuyển được giữ ổn định như năm 2022, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ; Xét bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt, với phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, trường xét thí sinh có chứng chỉ VSTEP (kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) B2 trở lên, do trường tổ chức riêng; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6.0, TOEFL iBT từ 79 điểm hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác từ B2 trở lên. Những thí sinh này phải có tổng điểm thi tốt nghiệp hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển từ 14 điểm trở lên (bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn).

Ngoài ra, trường xét thí sinh có chứng chỉ A-Level với 3 môn (bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn) theo các tổ hợp đạt từ 60/100 điểm mỗi môn, điểm SAT từ 1100/1600, điểm ACT từ 22/36 trở lên.

Năm 2023, trường ĐH Mở Hà Nội tuyển 3.800 chỉ tiêu
Năm 2023, trường ĐH Mở Hà Nội tuyển 3.800 chỉ tiêu

Năm 2023, trường ĐH Mở Hà Nội lần đầu sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển, áp dụng với nhóm ngành Thương mại điện tử, Luật Kinh tế, Công nghệ thông tin (với 4 chuyên ngành Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Công nghệ đa phương tiện, Mạng và an toàn hệ thống). (Xem TẠI ĐÂY)

Những phương thức tuyển sinh còn lại được trường giữ ổn định như năm 2022, gồm: Xét học bạ; sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, kết hợp điểm học bạ hoặc thi tốt nghiệp với điểm năng khiếu.

Về quy mô tuyển sinh, năm nay, trường tuyển sinh 3.800 chỉ tiêu, tăng hơn 200 chỉ tiêu so với năm ngoái; trong đó, ngành Ngôn ngữ Anh tuyển nhiều nhất - 350 chỉ tiêu, Tài chính - Ngân hàng- 320  chỉ tiêu.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh 43 ngành với tổng chỉ tiêu 5.860 trong năm 2023, tăng 30 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong đó, nhóm ngành Quản trị kinh doanh, Thương mại và Du lịch tuyển nhiều nhất - 1.680 chỉ tiêu, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật số - 600 chỉ tiêu, Kinh tế và Quản lý- 560 chỉ tiêu. (Xem TẠI ĐÂY)

Trường giữ ổn định 4 phương thức xét tuyển: Học bạ, xét tuyển kết hợp, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT.

Trường nhận hồ sơ xét tuyển xét học bạ, xét tuyển kết hợp từ 4/4 đến 25/5 (đợt 1) và từ 6/6 đến 25/7 (đợt 2). Kết quả được thông báo muộn nhất vào 31/5 và 31/7. Hai phương thức còn lại thực hiện theo lịch chung của Bộ GD&ĐT.

Học viện Hàng không Việt Nam dự kiến tuyển sinh 11 ngành với tổng chỉ tiêu 2.705, tăng gần 600 so với năm 2022. Trong đó, chỉ tiêu ngành Ngôn ngữ Anh tăng gần gấp đôi, từ 180 lên 345, kế đó là Quản trị Kinh doanh, từ 440 lên 540. Các ngành còn lại tăng phổ biến 20-30 chỉ tiêu so với mức tuyển năm 2022, duy nhất ngành Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa giảm chỉ tiêu từ 180 xuống 140 (Xem TẠI ĐÂY)

Ở ngành Quản trị kinh doanh, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ mở chuyên ngành Khai thác Hàng không, dạy và học bằng tiếng Anh hoàn toàn.

5 phương thức tuyển sinh của trường được giữ ổn định như năm 2022, gồm xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, ưu tiên xét tuyển theo đề án riêng của trường, tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Trường ĐH Lâm nghiệp dự kiến tuyển 1.390 chỉ tiêu bằng 4 phương thức: Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ), xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực (của ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường tổ chức thi ĐGNL). Các ngành xét tuyển dựa vào kết quả bài thi ĐGNL gồm: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin. (Xem TẠI ĐÂY)

Năm 2023, trường có 24 ngành thuộc chương trình tiêu chuẩn (dạy-học bằng tiếng Việt), 1 ngành thuộc Chương trình tiên tiến đào tạo bằng tiếng Anh theo chương trình của Trường ĐH tổng hợp Bang Colorado - Hoa Kỳ.

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội dự kiến tuyển sinh 19 chương trình đào tạo đại học lĩnh vực khoa học công nghệ với 950 chỉ tiêu, tăng 12,5% so với năm 2022 (Xem TẠI ĐÂY)

Trường áp dụng 2 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức (thông qua xét học bạ, bài kiểm tra kiến thức và phỏng vấn); Xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường.

Để ứng tuyển các phương thức, thí sinh cần đáp ứng tiêu chí có điểm trung bình cộng lớp 11 và 12 các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin từ 6,5 trở lên. Với các chương trình song bằng, yêu cầu thí sinh cần có chứng chỉ IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 60.

Bài kiểm tra đánh giá kiến thức có nội dung khoa học tự nhiên liên quan đến ngành ứng tuyển. Ứng viên có điểm bài kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được tham dự vòng phỏng vấn với Hội đồng tuyển sinh của USTH. Thí sinh có thể lựa chọn phỏng vấn bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học sớm hoàn thiện, công bố đề án tuyển sinh năm 2023, trong đó lưu ý các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối.