Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều vấn đề cần được “gỡ rối”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 4/10, Sở QH - KT Hà Nội tổ chức hội nghị bàn biện pháp đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị với cụm các quận phía Nam sông Hồng đến Vành đai 3.

Tại hội nghị, lãnh đạo các quận đã giãi bày nhiều khó khăn, và qua đó, thấy rằng, không chỉ những khu vực phát triển mới đang phải đối diện với những khó khăn trong công tác quản lý mà các quận có quy hoạch chi tiết từ nhiều năm nay, cũng vấp phải nhiều vấn đề khó giải quyết.

Nội đô… vẫn phức tạp

Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Văn Hải thừa nhận, khi bắt đầu triển khai quy hoạch chung Thủ đô, ngay cả Sở QH - KT cũng đã tưởng rằng với khu vực nội đô sẽ đơn giản hơn so với các khu vực bên ngoài, bởi các quận đã có quy hoạch chi tiết từ nhiều năm trước và công việc phải làm sẽ chủ yếu là cập nhật dữ liệu. Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai các đồ án quy hoạch phân khu tại khu vực này mới thấy có nhiều vấn đề rất khó.
 
Nhiều vấn đề cần được “gỡ rối” - Ảnh 1
Đường Vành đai I, đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái chậm tiến độ. Ảnh: Trung Chính

Những thông tin được Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện chia sẻ đã phần nào minh chứng cho "sự khó" của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tại các quận mà đất đai thường gắn với hai chữ "đất vàng". Mặc dù có quy hoạch từ nhiều năm, nhưng do thiếu sót trong việc cập nhật dự án, dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch, nên khi triển khai đã gây ra những bất đồng, khiếu kiện kéo dài. Công trình trụ sở làm việc của Kho bạc Nhà nước được đặt "mã số" là dự án K92 là một ví dụ. Ông Viện cho biết, có cái tên K92 là vì dự án được triển khai từ năm 1992 nhưng đến nay đã 20 năm, việc thu hồi khu đất góc phố Ngô Quyền - Trần Hưng Đạo vẫn chưa được hoàn tất. Một trong các nguyên nhân khiến dự án vấp phải sự phản đối, thắc mắc từ phía người dân là do quy hoạch chi tiết của quận ghi nhận đây là đất ở trong khi dự án đã có trước khi lập quy hoạch.

Ngay cả khi đã có quy hoạch nhưng việc tuyên truyền, triển khai cắm mốc ra sao, để quy hoạch đi vào cuộc sống cũng là vấn đề mà chính quyền các quận rất trăn trở. Tại quận Hoàn Kiếm, quy hoạch chi tiết của quận đã được phê duyệt từ năm 2000, song đến nay, vẫn chưa được cắm mốc. Vì vậy, mỗi lần cấp phép cho công trình, cơ quan chức năng lại phải ý kiến thỏa thuận về quy hoạch. Với quận Hai Bà Trưng, tuyến đường Vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái có quy hoạch từ khi… giải phóng Thủ đô, nhưng đến nay, dự án vẫn "treo".

Ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, người dân rất lo lắng vì dự án tiếp tục "treo" đồng nghĩa với việc kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, không thể đầu tư cải thiện hạ tầng, các quyền lợi hợp pháp của công dân như quyền thế chấp, quyền xây dựng… bị hạn chế. "Ngay cả khi quy định cấp phép xây dựng tạm đã nới đến mức cho phép công trình trong khu vực có quy hoạch được xây 5 tầng, vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của dân" - ông Tuấn nói.

Lo lắng với dự án “treo”

Tại cuộc giao ban, lãnh đạo của các quận đều đánh giá cao sự đổi mới trong công tác điều hành, phối hợp của Sở QH - KT với các địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính và các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai quy hoạch, quản lý quy hoạch. Để công tác quản lý quy hoạch trong thời gian tới thực sự có hiệu quả, nhiều quận đã đề xuất Sở QH - KT kiến nghị Thành phố tiến hành tổng rà soát quy hoạch của các quận để xem xét lại các dự án đã "treo" nhiều năm, đánh giá xem dự án nào khả thi, dự án nào không.

Cũng lo lắng về vấn đề dự án "treo" nhưng lại xuất phát từ câu chuyện phân cấp, Phó Chủ tịch quận Hoàng Mai, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị không nên phân cấp cho các quận, huyện những công việc quá khó, đòi hỏi chuyên môn cao về quy hoạch khi mà nhân lực của địa phương còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Thực tế, quận Hoàng Mai đã triển khai lập quy hoạch cho 13 ô quy hoạch nhưng không "dám" phê duyệt vì không biết lấy đâu mười mấy ngàn tỷ đồng để triển khai các dự án theo quy hoạch.

Liên quan đến chất lượng quản lý quy hoạch, ông Vũ Văn Viện đề nghị cần quay trở lại thực hiện quy định buộc phải có hồ sơ hoàn công trước khi công trình xây dựng được đưa vào sử dụng. Đại diện của nhiều quận có mặt tại hội nghị đã thống nhất với quan điểm này và cho rằng, đây là khâu quan trọng và hữu hiệu để ngăn ngừa việc chủ đầu tư xây dựng sai phép, vi phạm quy hoạch.

Vấn đề khó nhất của các quận hiện nay là giảm mật độ dân cư. Theo quy hoạch chung Thủ đô, sẽ phải giảm dân số khu vực nội đô từ 1,2 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân, trong khi trên thực tế dân số ở đây đã tăng quá nhiều. Việc di dời các trường học, trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô cũng đặt ra bài toán cân đối nhu cầu rất phức tạp khi nhiều phường còn thiếu trường, chính quyền chưa có trụ sở làm việc đủ tiêu chuẩn.
 
Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Văn Hải